Cách mạng xanh tại Việt Nam
1/6/2020
Thử tìm hiểu: CUỘC CÁCH MẠNG XANH TẠI VIỆT NAM (1968-2012)
Trần Văn Đạt PhD


 

Cuộc Cách Mạng Xanh (CMX) sau cùng đã xảy ra trên thế giới từ thập niên 1970 đến giữa thập niên 1990, giúp nhân loại tăng lương thực đáng kể; nhưng không tránh khỏi cuộc khủng hoảng lương thực thế giới 2008. Thế giới hiện đang bước vào thời đại toàn cầu hóa và khu vực hóa, mọi lãnh vực đều chịu ảnh hưởng tương tác và các quốc gia trên thế giới phải chịu sức ép liên đới ít nhiều khi có biến cố bất ngờ xảy ra. Cuộc khủng hoảng tín dụng, tài chánh, năng lượng, lạm phát và các yếu tố liên hệ đã gây nên cuộc suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng từ tháng 11-2007 đến 2011 và khủng hoảng lương thực vào tháng 4-2008; do đó, số người nghèo đói trên thế giới tăng từ 850 triệu lên hơn một tỉ người. Hiện nay, đại dịch siêu vi khuẩn COVID 19 đang gây tai hại trầm trọng cho nhiều hoạt động đời sống thế giới là một thí dụ điển hình của hậu quả tiêu cực thời đại toàn cầu hóa.

Cuộc CMX đã chấm dứt trên thế giới cách nay gần ba thập niên, nhưng còn tiếp tục tại Việt Nam đến đầu thập niên 2010 do điều kiện chính trị và kinh tế, và đang còn xảy ra tại một số nước chậm tiến khác như Myanmar, Bangladesh, Cambodia, Lào… Cuộc Cách mạng này vẫn chưa thực hiện được ở các nước miền nam Sa Mạc Sahara vì thiếu hệ thống dẫn thoát thủy và chính sách nông nghiệp thích hợp. Cuộc CMX chỉ xảy ra tại một quốc gia khi nước này hội đủ tối thiểu 4 yếu tố chính: (i)chính sách nông nghiệp hữu hiệu, (ii) phát triển thủy lợi, (iii) cung cấp đầy đủ hạt giống cao năng, và (iv) hiện diện đầy đủ chất hóa học nông nghiệp trên thị trường. Nếu thiếu một trong 4 yếu tố này CMX không thể xảy ra. Chẳng hạn, xứ Madagascar ở châu Phi có hệ canh tác lúa (1,2 triệu ha) tương tự như châu Á, đến nay vẫn chưa có cuộc CMX xuất hiện vì họ thiếu chính sách lúa gạo quốc gia thỏa đáng và thiếu phân hóa học để tăng sản xuất, mặc dù xứ này có hơn 40% diện tích trồng lúa tưới tiêu và nhiều giống lúa cao năng hiện diện, cùng với sự trợ giúp kỹ thuật tích cực của dự án IRRI/USAID thuộc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) ở Philippines trong thập niên 1980-90.

Cũng vậy, trong thập niên 1950, thế giới đã có một số giống cao năng lai tạo như  Taichung Native 1 của Đài Loan, Jaya của Ấn Độ, H4 và H5 của Sri Lanka… không kém gì giống lúa IR8 với năng suất trung bình 6-8 t/ha; nhưng châu Á chưa có cuộc CMX lúc bấy giờ vì thiếu chính sách nhà nước để phổ biến các giống lúa năng cao này, hệ thống tưới tiêu còn yếu kém và chất hóa học nông nghiệp còn thiếu thốn ở nông thôn.

Như vậy, cuộc CMX cuối cùng tại Việt Nam đã bắt đầu từ đâu và xảy ra lúc nào?

 1.   NHỮNG CUỘC CÁCH MẠNG XANH ĐÃ QUA

Cuộc CMX thế giới vừa qua không phải là CMX đầu tiên của nhân loại. Có thể nói rằng CMX đầu tiên đã xảy ra cách nay độ 10 000-11 000 năm trong nền Văn Hóa Hòa Bình (Colani, 1930; Viện Khảo Cổ Học, 1998 và 1999), lúc con người bắt đầu chuyển đổi nếp sống từ lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên đến chủ động cuộc sống bằng nghề nông nghiệp, đặc biệt sáng tạo các công cụ hoạt động sản xuất bằng đá, và thuần hóa một số loài thảo mộc và thú rừng để làm thực phẩm. Người ta gọi đó là Cuộc Cách Mạng Đá Mới. Cuộc CMX thứ hai hay là cuộc Cách Mạng lúa nương (lúa rẫy) khi con người sáng tạo nghề làm lúa rẫy và các bộ lạc trồng lúa xuất hiện ở nhiều nước Đông Nam Á, gồm cả Việt Nam vào cuối thời đại đồ Đá Mới, cách nay độ 5 000-6 000 năm (Bùi Thiết, 2000). Nhờ biết khai thác trồng lúa rẫy, con người bắt đầu ít di chuyển để tìm thức ăn và có khuynh hướng định cư lâu dài hơn trước kia.

Cuộc CMX thứ ba hay Cách Mạng Kim Khí xuất hiện khi nhân loại khám phá kim loại đồng thau sắt để chế tác các chiếc rìu, cuốc, cày bằng đồng, sắt cách nay khoảng 4 000-2 000 năm (Chang, 1985). Sự khám phá này rất quan trọng, giúp cho sản xuất nông nghiệp tăng nhanh hơn, hiệu năng cao hơn so với thời kỳ trước. Nhờ đó, ở Việt Nam, nền văn minh lúa nước xuất hiện vào thời đại Hùng Vương – An Dương Vương, khi người Việt cổ đã có khuynh hướng di cư từ vùng trung du, đồi núi xuống các thung lũng và đồng bằng sông Hồng, sông Cả và sông Mã thành lập xóm làng, với sự xuất hiện hàng loạt các loại trống đồng và các di vật khảo cổ khác trong nền văn hóa Đông Sơn (Trần Văn Đạt, 2010).

Vào đầu thế kỷ XX, Nhựt Bổn đã làm một cuộc CMX âm thầm, khi xứ này đưa năng suất lúa bình quân từ 1,85 t/ha vào 1878-1887 lên 3,10 t/ha trong 1903-07 (Greenland, 1997), trong khi lúa Việt Nam chỉ 1-1,2 t/ha. Sau khi thành công trong lai tạo giống cao năng mới và lùn thấp, Nhựt Bổn lại dẫn đầu một cuộc CMX khác khi đưa năng suất cải tiến lên 4-5 t/ha vào thập niên 1930, làm tăng sản lượng lúa trong nước rất ngoạn mục. Sau đó, một số nước phát triển thuộc vùng ôn đới, như Ý, Tây Ban Nha, Mỹ, v.v. cũng đạt tiến bộ lớn trong cải thiện năng suất lúa vào những năm 1950-60.

Ngoài Nhựt Bổn và Đài Loan, các nước ở châu Á khởi đầu lai tạo giống lúa mới vào thập niên 1910, chẳng hạn Việt Nam đã bắt đầu lai tạo giống lúa đầu tiên vào 1917, giữa giống lúa Tàu Hương và Carolina (lúa gốc Mỹ được trồng ở Nam Dương) (Carle, 1927), nhưng kết quả không như mong đợi.

Cuộc CMX cuối cùng xuất hiện phần lớn do sự khám phá sử dụng “gen lùn” giúp cho loài Hòa thảo này hấp thụ phân hóa học hữu hiệu và cây chống đổ ngã nên ít thất thoát. Loại gen lùn này được tìm thấy ở cây lúa mì Norin 10B ở Nhựt Bổn. Từ đó gen lùn lúa mì được khai thác triệt để trong chương trình lai tạo giống của Ông Orville Vogel tại trường Washington State University, Pullman, bang Washington, Hoa Kỳ. Vào năm 1953, nhóm chuyên gia lúa mì do Tiến Sĩ Norman Borlaug, đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1970, lãnh đạo Viện nghiên cứu Bắp và Lúa mì CIMMYT ở Mexico đã dùng gen lúa mì lùn của Vogel để tạo ra các giống lúa mì cao năng kháng đổ ngã.

Năm 1960, Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế (IRRI) được thành lập tại Los Banos, Philippines với sự bảo trợ của công ty Ford Foundation and Rockefeller Foundation của Mỹ, sử dụng gen lùn giống lúa Dee-geo-woo-gen, thấp, ngắn ngày của Đài Loan và giống lúa Peta, cao giàn của Indonesia để tạo ra giống lúa IR8 vào 1962 (Hình 1). Có rất nhiều dòng được tuyển chọn từ tổ hợp Dee-gee-woo-gen x Peta, nhưng dòng IR8-288-3 có triển vọng cao hơn hết được IRRI gởi thử nghiệm khá rộng rãi ở vùng khí hậu nhiệt đới và phụ cận vào năm 1965. Năm 1966, dòng IR8-288-3 được IRRI đặt tên IR8 và bắt đầu phổ biến. Một số hạt giống được gởi đến nhiều nước châu Á, như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Sri Lanka, Việt Nam, v.v. để trồng thử nghiệm. Lúa IR8, cây nửa lùn, nhiều chồi, lá thẳng đứng, xanh đậm, chống đổ ngã, kháng một số sâu bệnh và phản ứng đạm cao đến 200 kgN/ha, có năng suất tiềm thế cao đến 11 t/ha trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhưng chất lượng hạt kém (hạt thô, cơm nguội cứng) do hàm lượng amylose cao (28%). Hạt lúa IR8 có kích thước trung bình, to, bạc bụng. Ngoài đồng, lúa IR8 cho năng suất cao gấp đôi, ba lần giống lúa địa phương, từ 4 đến 8 tấn/ha.

Đa số các nước nêu trên đã thành công phổ biến rộng rãi và đồng loạt lúa cao năng, cùng với phát triển lúa mì, tạo nên cuộc CMX lớn ở châu Á. Cuộc CMX này bùng phát và lan rộng thế giới, gồm cả châu Mỹ La-Tinh, ngoại trừ một số nước châu Á và miền nam sa mạc Sahara châu Phi (Gần đây xứ Mali đang khởi xướng cuộc CMX (lúa) đơn độc tại nước mình).

Tại châu Á, IR8 và những giống lúa cải thiện khác được gọi ban đầu là lúa cao năng, sau đó lúa hiện đại (modern rice) trồng đại trà ở nhiều nước gồm cả Việt Nam từ cuối thập niên 1960 đến đầu thập niên 2010. Công lao tạo giống IR8 này là do tổng hợp hoạt động nghiên cứu của ba chuyên gia lỗi lạc IRRI lúc bấy giờ. Đó là tiến sĩ T.T. Chang, người Đài Loan có công chọn hai giống cha mẹ nêu trên; Tiến sĩ Peter Jenning làm công tác lai giống và Ông H.M. Beachell tuyển chọn ra giống IR8 từ dòng IR8-288-3 và cây lúa thứ 3 (Chandler, 1992).    

            Sau khi năng suất và sản ngạch của lúa mì và lúa gạo tăng nhanh chóng, các loại ngũ cốc khác như bắp và lúa miến (sorghum) cũng được cải tiến di truyền với đặc tính nửa-lùn, làm cho cuộc CMX bành trướng mạnh mẽ và lan rộng nhiều nơi trên thế giới.

 
Hình 1: Cây lúa IR8, Peta và Dee-geo-Wwo-gen (ảnh IRRI)

2.   CUỘC CÁCH MẠNG XANH Ở VIỆT NAM (1968 – đầu thập niên 2010) (Trần Văn Đạt, 2002)

Cuộc CMX đã xảy ra tại Việt Nam vào cuối thập niên 1960 do sự du nhập các giống cao năng của Viện IRRI. Vào đầu năm 1965, IRRI gởi một số mẩu lúa IR8 cho một số ít quốc gia ở Châu Á trồng thử nghiệm, chẳng hạn Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka… 



Vào tháng 5 năm 1966, Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa (nay trở thành Viện Cây Ăn Quả) ở Long Định, Tiền Giang thuộc Bộ Canh Nông Miền Nam đã nhận được 10 kg lúa giống IR8 để trồng thử nghiệm đầu tiên trên 2000 m2 vào mùa mưa (liên lạc cá nhân với Phạm Thanh Khâm, Cựu Quản Đốc Trung tâm, 2000). Trong mùa ấy, năng suất lúa IR8 thu hoạch 4 t/ha so với năng suất bình quân của lúa truyền thống 2 t/ha. 

Đồng thời, trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc Sài Gòn nhận được 1kg giống IR8 từ IRRI để trồng trong một thí nghiệm về ảnh hưởng của quang cảm (photoperiodism) cùng với một số giống lúa địa phương tuyển chọn của Miền Nam. Kết quả thí nghiệm được báo cáo vào mùa hè 1967 qua một Luận trình mãn khóa (Trần Văn Đạt, 1967). Trong thí nghiệm này, năng suất tiềm thế của giống lúa IR8 được theo dõi và đánh giá cao trong khi so sánh với các giống lúa được tuyển chọn khác. 

Nhờ kết quả khích lệ nêu trên và nhu cầu lúa gạo cấp bách lúc bấy giờ, Bộ Canh Nông đặc biệt chú ý đến giống lúa IR8 và quyết định phát triển canh tác đại trà trong khi vẫn còn trồng thí nghiệm theo dõi tại Trung Tâm Thí Nghiệm Lúa ở Long Định, các Trại thí nghiệm lúa ở Miền Trung và Miền Nam, Viện Khảo Cứu Nông Nghiệp và trường Đại học Cần Thơ, qua hợp tác với Viện IRRI ở Philippines. Có thể nói Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong công cuộc Cách Mạng Xanh này trên thế giới (Hình 2).

Vào giữa năm 1967, qua chương trình hợp tác với Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ (USAID), 6 tấn lúa giống IR8 có năng suất cao và ngắn ngày, được du nhập khá khó khăn vào Việt Nam (vì thỏa hiệp giữa IRRI và chính phủ Philippines không cho phép IRRI xuất khẩu một số lượng lúa lớn dù là hạt giống)[1] để tái canh nhơn giống trên 300 ha ruộng vào mùa nắng (Đông-xuân) tại Võ Đắt, tỉnh Bình Tuy, sau khi vùng này bị lũ lụt và vụ lúa bị thiệt hại nặng nề. Do lúa IR8 được trồng hơi muộn lại thiếu nước, chỉ có khoảng 40 ha lúa được thu hoạch để làm giống với năng suất bình quân 2 t/ha. Tất cả số lượng lúa sản xuất được tại Vỏ Đắt, độ 80 tấn được Bộ Canh Nông thu mua làm giống và gởi trồng nhơn giống tại 33 tỉnh của Miền Nam vào mùa mưa 1968. Sau đó, lúa IR8 được nông dân tự nhơn giống và được Sở Lúa Gạo thu mua qua quỹ luân chuyển để phân phối cho các vùng khác trồng vào mùa nắng (Đông-Xuân) của vụ 1968-1969. 

Nhờ đó, trong vụ 1968-69, 23 373 ha lúa IR8 đã được thu hoạch với năng suất bình quân 4t/ha và giống lúa IR8 được đặt tên là Thần Nông 8 (TN [2]. Mùa lúa 1968-69 là thời gian bắt đầu phổ biến mạnh mẽ chương trình “Tăng gia sản xuất lúa Thần Nông” được Sở Lúa Gạo thuộc Bộ Canh Nông thực hiện đại qui mô qua mô hình “mini kit” của Philippines: Mỗi nông dân trồng lúa TN (lần đầu tiên) được cung cấp một gói nhỏ (mini kit) gồm lúa giống TN8, phân hóa học và thuốc sát trùng diazinon.

Sau đó, các giống lúa cao năng khác: IR5, rồi IR20, IR22 được du nhập thử nghiệm và phổ biến qua chương trình hợp tác với IRRI. Diện tích trồng lúa Thần Nông tiếp tục bành trướng mau lẹ. Theo báo cáo của Viện Thống Kê Quốc Gia (Bảng 1), lúa hiện đại được trồng trên 204 000 ha hoặc 30% diện tích tưới tiêu vào vụ 1969/70, 452 100 ha vào 1970/71, 674 740 ha vào 1971/72, và 835 000 ha vào 1972/73. Đến vụ mùa 1973-74, diện tích lúa hiện đại (IR8, IR5, IR20, IR22, TN 73-1 và TN 73-2) chiếm độ 32% hay 890 000 ha với năng suất bình quân 4 t/ha và sản lượng của lúa Thần Nông chiếm 53% tổng sản lượng lúa Miền Nam. Vào vụ mùa 1974/75, tổng sản lượng lúa gạo miền Nam uớc độ trên 7 triệu tấn lúa. 

Chương tình Tăng gia Sản xuất lúa Thần Nông phát triển mạnh mẽ với sự hưởng ứng nhiệt tình của nông dân qua chương trình cho vay để mua máy bơm nước ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Miền Trung. Dọc theo sông Cửu Long và kinh rạch ở tỉnh An Giang, Châu Đốc và Kiến Phong (Đồng Tháp), nông dân đã biến đổi vụ lúa nổi thành hai vụ lúa cao năng, qua chương trình máy bơm nước. Lúa IR8 phần lớn được phát triển mạnh ở các vùng có nước tưới tiêu vì cây lúa thấp lùn. Vào thời bấy giờ, rất nhiều nông dân ĐBSCL đã trở nên giàu có mua sắm nhiều máy cày, xe Honda, xây nhà gạch, v.v. Cho nên, nông dân còn gọi lúa này là “lúa Honda”. Một nông dân trồng một mẫu tây lúa trong 2 hoặc 3 mùa liên tiếp có khả năng mua được một chiếc xe Honda để làm phương tiện di chuyển trong làng ấp. Có thể nói rằng chương trình trên đã mang lại kết quả tốt và theo ước lượng của Sở Lúa Gạo, Miền Nam có thể tự túc lúa gạo vào lúc bấy giờ, nhưng gạo vẫn còn phải nhập khẩu độ 300 000 tấn gạo (với chất lượng kém) mỗi năm từ chương trình viện trợ thực phẩm của Mỹ PL480.    

Bảng 1: Diện tích và sản lượng lúa ở Miền Nam Việt Nam từ 1968 dến 1975 

Mùa lúa Diện tích lúa hiện đại (ha) Diện tích tổng cộng** (ha) Sản lượng tổng cộng (tấn)**

1968-69

23.373*

2.393.800

4.366.150

1969-70

204.000*

2.430.000

5.115.000

1970-71

452.100*

2.410.700

5.715.000

1971-72

674.740*

2.510.300

6.324.200

1972-73

835.000*

2.700.000

6.347.700

1973-74

890.000*

2.750.000

6.700.000

1974-75

950.000**

2.850.000

7.150.000

* Nguồn gốc: Viện Thống Kê Quốc Gia, Sài gòn, 1974

**  Ứơc lượng của Sở Lúa Gạo, 1974

               Trong 2 vụ mùa đầu từ 1969 đến 1970, Chương trình tăng gia sản xuất lúa Thần Nông phát triển khá nhanh, nhưng sau đó gặp nhiều trở ngại, nhứt là thị trường tiêu thụ. Sau IR8, giống lúa IR5 được du nhập để trồng ở các ruộng sâu nhờ giống lúa này cao giàn. Về sau công tác phổ biến hai giống lúa TN 8 và TN 5 ngày càng khó khăn vì nông dân và giới tiêu thụ bắt đầu phàn nàn chất lượng kém của hai giống lúa này. Hạt gạo TN8 thuộc loại trung bình và to, có hàm lượng amylose cao (28%) nên cơm để nguội mau cứng và khó ăn. Cho nên, các giống lúa mới, như IR20 (IR532-E76), IR22 (IR579-160-2), rồi TN 73-1 (IR1529-6-80) và TN 73-2 (IR1561-228-3-3) có chất lượng tốt hơn, ngắn ngày hơn và kháng một số sâu bệnh, được Ủy Ban Hạt Giống Quốc Gia lần lượt chấp thuận phóng thích[3]. Hai giống lúa TN 73-1 và TN 73-2 là hai giống lúa cao năng được phóng thích trong năm 1973 vừa nhằm tăng chất lượng gạo trong nước vừa chống sự phá hại ngày càng nhiều của rầy nâu. Sau đó, IR26 và IR 30 được phổ biến trong nông dân, nhưng bị rầy nâu phá hại dữ dội vào 1976; cho nên, các giống lúa nêu trên lần lượt bị thay thế.

Đến 1977, IR36 được tuyển chọn phổ biến vì có mức kháng rầy nâu cao (biotype 2) (Võ Tòng Xuân, 1995). Sự sử dụng quá nhiều thuốc sát trùng giết hại cả các thù nghịch thiên nhiên, nên nạn rầy nâu phá hại ngày càng trở nên trầm trọng, có lúc gây thiệt hại trên diện tích lớn đáng kể ở Miền Nam năm 1978. IR 36 bắt đầu phát triển rộng lớn vào thập niên 1980 không những tại Việt Nam mà còn nhiều nước châu Á khác. Có lúc giống lúa này được trồng trên 13 triệu ha ở châu Á, như Indonesia, Philippines, Việt Nam, Sri Lanka… Các giống lúa khác chống rầy nâu như NN6A, NN7A, OM3, NN8A và MTL 58 (TN108) cũng được phổ biến (Khush et al., 1995). Riêng ĐBSCL tiếp tục lai tạo nhiều giống lúa kháng được nhiều sâu bệnh quan trọng của vùng, có năng suất cao và chất lượng tốt để cung cấp năng lượng cho cuộc CMX có cơ hội bành trướng. Hiện nay có nhiều giống lúa hiện đại được nông dân trồng đại trà, như IR42, IR64, IR50404, IR56279, OM90, OM723, MTL145, MTL250, OM723, OMCS94, OMCS96, Hương lài, ST v.v.

Ở Miền Bắc, Cuộc CMX cũng bắt đầu từ giống lúa IR8 hay Nông Nghiệp 8 (NN8), có lẽ được du nhập từ Miền Nam vào cuối vụ 1968-69 qua ngả Tây Ninh để trồng thử nghiệm và có kết quả tốt ở vụ Đông Xuân, tiếp theo chặn đường nhập nội các giống thấp cây từ Trung Quốc như Trân châu lùn, Thượng hải 2 và Thượng hải 4. Sau đó, NN8 được trồng đại trà vào năm 1989 và có lúc chiếm đến 50% diện tích trồng của miền này. Mặc dù giống NN8 có thời gian sinh trưởng đến 180 ngày do ảnh hưởng của nhiệt độ thấp ở vụ Đông-xuân, nhưng năng suất rất cao từ 4 đến 8 t/ha nên được nông dân ưa chuộng. Cho nên, giống NN8 đã chiếm 65% diện tích vụ Đông-Xuân và 35% vụ mùa (Võ-Tòng Xuân, 1995). Giống NN8 còn được trồng đến giữa thập niên 1990. Miền Bắc qua 3 viện: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Viện Cây Lương thực và Cây Thực phẩm và Viện Bảo vệ Thực vật đã tham gia chương trình INGER để có được những nguồn gen quý giá cho công tác phòng ngừa các sâu bệnh quan trọng như bệnh cháy lá, bạc lá, tungro, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, tuyến trùng, hạn hán, khó khăn đất đai, v.v. Vì vậy, những giống lai tạo giữa các giống lúa địa phương và lúa IR được biết như U7, C10, C15, 386, V13, V14, V18, C37, C 180, MK 46, X2, X3, X10, X11… Giống lúa CR203, được Viện Bảo vệ Thực vật tuyển chọn từ giống IR (IR8423-132-6-2-2), trồng đại trà cho đến nay. Giống này kháng bệnh cháy lá và rầy nâu rất hữu hiệu.

Tóm lại, cuộc CMX cuối cùng đã kéo dài từ 1968 đến 2012, làm tăng sản lượng lúa ở Việt Nam từ 8,4 triệu tấn năm 1968 lên 43,7 triệu tấn năm 2012, tăng gia hơn 9,5% mỗi năm; diện tích tăng từ 4,9 triệu ha lên 7,8 triệu ha, hay 59%; và năng suất tăng từ 1,7 t/ha lên 5,6 t/ha, hay 229% (Tổng Cục Thống Kê, 2018). Thành quả lớn lao này trong những năm đầu của Đổi Mới kinh tế chủ yếu do sự thay đổi chính sách hơn là từ cải thiện kỹ thuật, nhưng sau đó sự phát triển kỹ thuật gồm công trình thủy lợi và sử dụng phân hóa học đóng vai trò quan trọng hơn khi cuộc CMX đang tiếp diễn.

          Về các vùng sinh thái, diện tích, năng suất và sản lượng trong 2008 được báo cáo như sau:

Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất lúa lớn nhứt, chiếm 54% cả nước hay 20,7 triệu tấn lúa; đồng bằng sông Hồng 6,8 triệu tấn hay 17,6%; và vùng Bắc và duyên hải Trung Bộ độ 6,1 triệu tấn hay độ 14%. Về năng suất, đồng bằng sông Hồng có năng suất cao nhứt 5,88 t/ha, kế đến đồng bằng sông Cửu Long 5,36 t/ha và Miền Đông Nam Bộ có năng suất thấp nhứt 4,25 t/ha. Tỉnh sản xuất lúa lớn nhứt là Kiên Giang kế đến An Giang và Đồng Tháp, với sản lượng 2,3, 2,2 và 1,9 triệu tấn lúa, theo thứ tự (Tổng Cục Thống Kê, 2009). 

Năm 2018, Việt Nam sản xuất 44 triệu tấn lúa trên 7,6 triệu ha và năng suất bình quân 5,8 t/ha. Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo, đứng hàng thứ ba sau Thái Lan và Ấn Độ (Tổng cục Thống kê, 2018).

3.   CÁC YẾU TỐ CHÍNH TẠO NÊN CÁCH MẠNG XANH THÀNH CÔNG

Trong thời kỳ Cách Mạng Xanh xảy ra, sản lượng lúa trong nước tăng liên tục với mức độ cao hoặc thấp tùy theo chính sách nhà nước, từ 8,4 triệu trong 1968 lên 38,9 triệu tấn lúa trong 2.009 và 44 triệu tấn trong 2018. Ngoài các yếu tố khác như chính sách, tổ chức, nghiên cứu, khuyến nông…, theo IRRI và một số nhà nghiên cứu, ba yếu tố sản xuất quan trọng hơn hết đã đóng góp rất lớn vào sự thành công của CMX, đó là phát triển hệ thống tưới tiêu (29%), dùng các giống lúa cải tiến (23%) và sử dụng phân hóa học (24%) (Herdt and Capule, 1983). Tuy nhiên, theo tác giả yếu tố chính quyết định trước hết là chánh sách lúa gạo của nhà nước. 

(1)  Chính sách lúa gạo quốc gia: Đây là yếu tố quyết định trước tiên để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thành công của một chương trình hay dự án tầm cở quốc gia. Trường hợp điển hình nhứt của Việt Nam là chánh sách lúa gạo ở Miền Bắc và Miền Nam trong thời gian 1968-1975, và thời kỳ Đổi Mới kinh tế từ 1988 đến nay.

(2)  Phát triển hệ thống tưới tiêu: Câu tục ngữ “Nhứt nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” vẫn còn giá trị tuyệt đối trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Nước là yếu tố tối thiết yếu, quyết định sự thành bại của mùa màng và an toàn lương thực. Thường cần đến 5.000 lít nước để sản xuất một kg lúa, nhưng hiệu năng của việc tưới tiêu chỉ độ 30-50% và có thể cải thiện lên 80% bằng cách tái sử dụng nước. Phần lớn các giống lúa cao năng không thích ứng với các vùng nước sâu hoặc không có hệ thống tưới tiêu tốt. Trong thập niên vừa qua, nhà nước đã dành ưu tiên cho công tác thủy lợi cho nên đã đầu tư độ 30 triệu đô la mỗi năm trong công tác này (Lê Hồng Nhu, 1999). Tại miền Bắc, hệ thống thoát thủy, đê điều được củng cố hơn. Nhiều vùng đất sâu thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười đã biến đổi từ một vụ với năng suất thấp thành 2 vụ với năng suất cao. Công tác khai khẩn đất đai khu Tứ Giác Long Xuyên, Bán Đảo Cà Mau và chương trình ngọt hóa vùng ven biển làm tăng diện tích trồng lúa hàng trăm ngàn hecta. Trong thời CMX, diện tích đất tưới tiêu cả nước tăng từ 1,1 triệu ha trong 1968 lên 3 triệu ha trong 1998 (FAO, 2000).

(3)  Giống lúa cao năng: Phổ biến rộng rãi các giống lúa cải thiện, thấp giàn, lá xanh đậm và thẳng, có khả năng phản ứng đạm cao và chỉ số thu hoạch cao (HI: 0,4-0,5) đã làm xứ sở thoát khỏi tình trạng năng suất thấp lâu dài (1,2 t/ha) của bán thế kỷ XX đầu và 2 t/ha cho đến lúc khởi xướng cuộc CMX. Như đã nói ở trên, giống IR8 được du nhập vào Việt Nam năm 1966 và được trồng đại trà ở Miền Nam và miền Bắc kể từ 1968/69 làm sản lượng lúa cả nước tăng lên đáng kể. Sau đó lần lượt các giống lúa IR khác có năng suất cao, chất lượng gạo tốt và kháng một số sâu bệnh quan trọng như rầy nâu, bệnh đạo ôn, bạc lá được trồng thử nghiệm và phóng thích cho nông dân trồng. Ngoài ra, lúa lai được trồng ở Miền Bắc trong thập niên 1990 đã làm tăng sản lượng lúa của miền này. Giống lúa cao năng đã thay thế nhanh các giống lúa địa phương trong hệ lúa tưới tiêu và ngay cả hệ lúa không được tưới tiêu và đã tăng từ 17% trong 1980 lên đến 87% tổng số diện tích trồng lúa trong 1998 (Trần Thị Út and Hossain, 2000).

            (4) Phân hóa học: Sự xuất hiện của các giống lúa hiện đại đã làm cho kỹ nghệ hóa chất như phân bón, thuốc diệt trùng, diệt cỏ, v.v. phát triển mạnh mẽ. Vào thập niên 1980, năng suất lúa còn thấp (độ 2,5 t/ha) mặc dù diện tích trồng lúa cải thiện đã nhiều, do sử dụng phân hóa học còn thấp, khoảng 60-80 kg/ha, dưới mức khuyến cáo (200-250 kg/ha chất dinh dưỡng) (FAO, 1989). Nên biết rằng cứ mỗi kg phân bón có thể làm tăng 10-15 kg lúa. Số lượng phân hóa học gần đây được sử dụng tăng gia, từ gần 60 000 tấn trong năm 1968 lên hơn 4 triệu tấn trong 2008. Vì vậy, năng suất và sản lượng lúa trong thời gian này gia tăng chủ yếu theo số lượng phân hóa học nhập khẩu và sử dụng. Cho nên, năng suất bình quân lúa ở Việt Nam còn có thể tăng đến 6 t/ha trong mùa mưa và 8 t/ha trong mùa nắng, nếu phân hóa học được dùng đầy đủ và đúng lúc trong điều kiện tưới tiêu được cải thiện. Cũng nên ghi nhận rằng miền Bắc sử dụng phân K nhiều hơn miền Nam đến 6-7 lần, trong khi lượng phân N và P gần tương đương.

Nhìn lại, cuộc CMX đã làm chuyển dịch quan trọng cơ cấu trồng lúa nước như sau:

(i) Chuyển cơ cấu trồng lúa cấy qua lúa sạ thẳng, hiện chiếm hơn 95% diện tích trồng lúa tại Miền Nam. Tại đồng bằng sông Cửu Long, sự dịch chuyển cơ cấu vụ được thể hiện qua giảm sút diện tích lúa mùa, tăng gia diện tích gieo sạ Đông-xuân và Hè-thu. Chiều hướng nầy đang tiếp tục bành trướng ra Miền Trung và Miền Bắc do vấn đề tiết kiệm nước, nhân công đắt đỏ và sự hiện diện của thuốc diệt cỏ với giá cả phải chăng. Nông dân còn chuyển đổi cơ cấu trồng lúa sang trồng cây ăn quả hoặc rau hoa do thu nhập cao; cho nên, khuynh hướng này cần được khuyến khích ở những vùng sản xuất lúa dư thừa như ĐBSCL để cải thiện đời sống nông dân.

(ii) Miền Bắc, vụ lúa Chiêm hay Đông-xuân giảm dần và được thay thế bằng vụ Xuân.

(iii) Cả nước, diện tích vụ Đông-xuân tăng gia từ 1,8 triệu ha trong năm 1985 lên 3,1 triệu ha trong năm 2009. Trong cùng thời kỳ, vụ Hè-thu tăng từ 994 300 ha lên 2,4 triệu ha và vụ lúa Mùa giảm từ 2,9 triệu ha xuống 2 triệu ha (Tổng Cục Thống Kê, 2009).

(iv) Sử dụng các giống lúa ngắn ngày (90-100 ngày) có chất lượng cao để vừa tăng vụ mùa vừa tránh lũ lụt hoặc hạn hán cuối vụ.

(v) Phát triển trồng lúa có chất lượng tốt để nâng cao giá trị màu, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như thế giới. Gạo xuất khẩu chưa có thương hiệu nổi tiếng.

(vi) Cơ giới hóa sản xuất lúa tăng gia, nhứt là khâu làm đất, tưới tiêu, và thu hoạch.

(vii) Miền Bắc nỗ lực thực hiện chương trình sản xuất lúa lai từ 1991, dùng hạt giống F1 phần lớn nhập nội từ Trung Quốc! 

4.   HẬU QUẢ TIÊU CỰC CỦA CÁCH MẠNG XANH

Cuộc Cách Mạng Xanh đã giúp nước ta không những tự túc được lúa gạo mà còn trở nên một nước xuất khẩu gạo hạng hai hoặc ba trên thế giới, và giúp cho giới tiêu thụ với giá gạo khá ổn định và thấp. Tuy nhiên, CMX cũng tạo ra một số ảnh hưởng tiêu cực về sinh học, môi trường và kinh tế xã hội (Trần Văn Đạt và Tôn Thất Trình, 1994).

  • Về phương diện sinh học, sự phổ biến mạnh mẽ các giống lúa cải tiến hiện đại, thấp giàn làm biến mất dần các giống lúa địa phương. Hiện tượng xói mòn di truyền (genetic erosion) đã xảy ra ngày càng trầm trọng. Hơn nữa, sử dụng lúa giống ngắn ngày, phân hóa học nhất là phân đạm, và thuốc sát trùng đã làm thay đổi hẳn lề lối trồng lúa cổ truyền và làm biến đổi hệ thống cơ cấu canh tác, gây ra nhiều vấn đề tiêu cực. Tình trạng của nhiều loại côn trùng và bệnh đã thay đổi từ loại không đáng kể trở nên nguy hiểm hơn, như bệnh cháy lá hay đạo ôn (Pyricularia grisae Cav.) (Hình 3) bây giờ trở nên nguy hại hơn trước thời CMX do dùng nhiều phân đạm; bệnh khô vằn (Rhizoctonia solani) trở nên quan trọng hơn; bệnh đốm nâu hiện nay ít hơn khi xưa; bệnh lúa lùn, Ragg stunt,… là những bệnh mới xuất hiện; rầy nâu (Nilaparvata lugens), sâu đục thân hai chấm (Scirpophaga incertulas, Walker) trở nên loài nguy hiểm hơn; v.v.


Hình 3: Bệnh cháy lá 
(ảnh Internet)

  • Về phương diện môi trường, để sản xuất 6t/ha lúa, giống lúa cải thiện cần sử dụng từ đất 100 kgN, 50 kg P2O5, 160 kg K2O, 19 kg Ca, 20 kg Mg, 10 kg S, 0,6 kg Fe, 0,19 kg Zn, 0,64 kg Mn, 0,08 kg Cu, 0,06 kg B và 0,004 kg Mo cho mỗi hecta mỗi vụ mùa (liên lạc với Dr. R. Roy, FAO, 1990). Giống lúa cao năng dùng chất dinh dưỡng của đất nhiều hơn giống lúa cổ truyền và còn gọi là cây “đào mỏ đất” (soil mining). Nông dân có thói quen chỉ dùng phân có ba chất dinh dưỡng chính N,P, K và quên hẳn các chất bần tố cần thiết. Hiện tượng thiếu bần tố Zn, S, B đã được ghi nhận trên thế giới. Do đó, những vùng thâm canh, 2 hoặc 3 vụ lúa cần phải đặc biệt lưu ý đến cân bằng dinh dưỡng trong đất đai. Những vùng úng thủy, khai thác đất phèn mặn cũng gây ảnh hưởng môi trường không ít. Sự khai thác mãnh liệt đồng bằng sông Cửu Long đã gây cho vùng này bị ngập lụt thường xuyên và nước mặn xâm nhập sâu trong lục địa hơn trước. Phân đạm góp phần làm tăng sức nóng của hoàn cầu dưới hình thức khí nitrous oxide. Sử dụng thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ quá độ gây ô nhiễm môi trường.

  • Về kinh tế và xã hội, các giống lúa cao năng thấp giàn đã trút thêm sự cực nhọc vất vả cho nông dân mà người đàn bà chiếm không ít trong các công tác cấy lúa và gặt hái bằng sức lao động của họ. Sự chăm sóc mùa màng cũng kỹ lưỡng hơn và cần nhiều nhân công hơn. Hệ thống tưới tiêu bành trướng mạnh nên gây tình trạng tranh chấp giữa người dùng nước ở thượng điền và hạ điền. Nhờ giống lúa ngắn ngày nông dân áp dụng thâm canh hai ba vụ mỗi năm nên gây ra vấn đề thiếu nhân công nhiều hơn lúc thời vụ đòi hỏi và khó khăn trong lúc hậu thu hoạch, đặc biệt vấn đề phơi lúa, tồn trữ, xay chà và thị trường. Ngoài ra, CMX còn làm tăng gia khoảng cách biệt lợi tức giữa nông dân trồng lúa tưới tiêu và không tưới tiêu. Tổng quát, lúa gạo đóng góp 37% vào lợi tức của gia đình nông dân trong khu vực khảo sát. Lúa tưới tiêu đem về 41,5% (587,42 đô la) so sánh với lúa không có tưới tiêu chỉ 18,2% (90,30 đô la). 

Theo cuộc điều tra gần đây, dùng các hạt giống cải tiến làm tăng lợi tức từ 15,6% lên 41,7% (112,45 lên 493,98 đô la) (Trần Thị Út và Hussain, 2000). 

Để khắc phục các vấn đề nêu trên, ngành khảo cứu cần phải đặt trọng tâm vào kiến tạo lề lối canh tác lúa bền vững, có khả năng chống kháng các loại biotypes và dòng sâu bệnh quan trọng hiện nay, đồng thời chịu đựng được các khí hậu khắc nghiệt, biến đổi khí hậu toàn cầu và các vấn đề đất đai khó khăn. Đó là lúa GAP hay lúa Xanh. Cần hiểu rõ hơn phản ứng giữa các kỹ thuật mới xuất hiện và môi trường. Cần phải theo dõi chuyển động của hệ thống thâm canh 2, 3 vụ lúa mỗi năm, nhất là cân bằng dinh dưỡng đất đai và diễn biến sâu bệnh, nhằm tạo điều kiện canh tác lâu bền. Triệt để áp dụng biện pháp Quản lý tổng hợp mùa màng (IPM) qua phối hợp chặt chẽ giữa khảo cứu, khuyến nông và nông dân. 

            Tóm lại, cuộc CMX trong nước kéo dài từ 1968 đến đầu thập niên 2010, đã mang những thành quả tốt đẹp cho xứ sở trong thời hội nhập kinh tế thị trường. Đây là cơ hội thuận lợi để đất nước gồm cả thành thị và nông thôn cùng tiến bộ, miễn là nhà nước thực hiện những chính sách thích đáng. Người ta đang cố gắng thực hiện một cuộc cách mạng mới, với mục tiêu tránh các ảnh hưởng tiêu cực của CMX đã gây ra, chú ý đặc biệt về phương diện môi trường, biến đổi khí hậu và phúc lợi nông dân nông thôn không những cho thế hệ hiện nay mà còn các thế hệ mai sau. 

Sau cuộc CMX vừa qua, thế giới đang tiến gần đến một cuộc cách mạng khoa học mới, có tính cách thời đại hơn, còn gọi là “Cuộc Cách Mạng Trắng”, khi công nghệ biến đổi gen và nông nghiệp 4.0 ra đời cùng với việc hoàn tất Bảng đồ genome cây lúa vào năm 2002. Cuộc CMX đã xảy ra trong khoảng 25-30 năm tùy theo điều kiện từng nước và đã chấm dứt vào giữa 1990-1995 trên thế giới, ngoại trừ một số nước chậm tiến ở châu Á và miền nam sa mạc Sahara của Châu Phi. Cuộc CMX đã giúp được nhiều dân tộc trên toàn cầu thoát khỏi nạn đói dự đoán, thành phần nghèo trong xã hội hưởng được giá lúa gạo rẻ hơn, làm thay đổi cơ cấu trồng lúa và xã hội nông thôn vào buổi đầu khi giá lúa gạo còn tương đối cao, mang lợi nhuận đáng kể cho người trồng lúa.

Nhưng về sau đời sống của nông dân trồng lúa tại các nước đang phát triển không được cải tiến thêm khi giá lúa gạo sút giảm liên tục trong hơn bốn thập niên qua, từ 750 Mỹ kim trong 1975 xuống 350 Mỹ kim/tấn gạo trong 2017. Nhiều nơi nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ ruộng lúa biến thành vườn trái cây, rau cải, nuôi tôm cá như đã thấy ở Trung Quốc từ 1980, Thái Lan với chính sách đa dạng hóa nông nghiệp từ 1985 và Việt Nam từ 2000. Do đó, cuộc CMX đã giúp nhiều nước giải quyết vấn đề cung cấp thực phẩm trong nước, nhưng không cải thiện nhiều đời sống nông thôn và nông dân trồng lúa. Các nước chậm tiến đã không biết nắm bắt thời cơ vàng để cải tiến đời sống nông dân trong giai đoạn này. Để có tình trạng nông thôn tốt hơn, họ cần phải có chính sách hỗ trợ tích cực cho nền nông nghiệp để giảm bớt sự cách biệt giữa xã hội đô thị và thôn ấp, như đã và đang thực hiện ở các nước tiến bộ Nhựt Bổn, Đại Hàn, Đài Loan và Âu Mỹ.

Trần Văn Đạt, Ph. D.

4-2020

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Borlaug, N.E., Hafiz, A., Sigurbjornsson, B. and Swaminathan, M.S. 2001. The origin and unfolding of the green revolution revisited by four of its early instigators – An example of successful, wide partnership. FAO, Rome.

  2. Bùi Thiết. 2.000. Việt nam thời cổ xưa. Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội. 463 tr.
  3. Carle, E. 1927. 1927. Amélioration des riz de Cochinchine. Agence Économique de l’Indochine, Paris, France, 11 pp.
  4. Chandler, R.F. 1992. An adventure in applied science. A History of the IRRI, IRRI, Philippines, pp 240.
  5. Chang, T.T. 1985. Crop history and genetic conservation: Rice – A case study. Iowa State Journal of Research 59(4): 425-455.
  6. Colani, M. 1930. Quelques stations Hoabinhhiennes, Bulletin de l’École française de l’Orient extrême (BEFE),  XXIX, Hanoi.

  7. FAO. 1989. Agriculture and food production sector review in Vietnam. Mission Report (VIE/88/033), FAO, Rome, Italy, pp 146.

  8. FAO. 2000,2005. FAOSTAT. FAO, Rome

  9. Greenland, D.J. 1997. The sustainability of rice farming. IRRI and CAB International, pp 273.

  10. Herdt, R.M. and Capule, C. 1983. Adoption, spread and production impact of modern rice varieties in Asia.  IRRI, Los Banos, Philippines, p 3-17.

  11. Khush, G.S., Vo-Tòng Xuân, Nguyễn Văn Luật, Bùi Chí Bửu, Đào Thế Tuấn và Vũ Tuyến Hoàng. 1995. Vietnam-IRRI collaboration in rice varietal improvement. Vietnam and IRRI: A Partnership in rice research, IRRI and Ministry of Agriculture and Food Industry, p. 55-61.

  12. Lê Hồng Nhu. 1999. Rice production in Viet Nam and the policies to promote its development. In Proceedings of the 19th Session of the IRC, Cairo, Egypt, 7-9 September 1998. FAO, Rome, p 162-165.

  13. Tổng Cục Thống Kê (GSO). 2008. Tài sản quốc gia 2008. GSO 2008 ..

  14. Tổng Cục Thống Kê (GSO). 2009 & 2018. Nông, lâm nghiệp và thủy sản 2009. GSO 2010

  15. Trần Thị Út and Hossain, M. 2000. Effects of improved technologies on rice production and impact distribution and poverty alleviation: Case study of Viet Nam. Paper presented at the International Rice Research Conference, 31-3 to 3-4-2000. IRRI, Los Banos.

  16. Trần Văn Đạt. 1967. Ảnh hưởng của quang kỳ tính trên một số giống lúa cải thiện. Luận trình tốt nghiệp Kỹ sư Canh nông tại Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc, Sài gòn, Việt Nam. 92 trang.

  17. Trần Văn Đạt và Tôn Thất Trình. 1994. Second generation problems of high-yielding rice varieties. In Proceedings of the 17th Session of the IRC, 4-9 February 1990, Goias, Brazil. FAO, Rome, p 127-132.

  18. Trần Văn Đạt. 2002. Tiến trình phát triển sản xuất lúa gạo tại Việt Nam – Từ thời nguyên thủy đến hiện đại. NXB Nông Nghiệp, Sài Gòn, 315 trang.

  19. Trần Văn Đạt. 2005. Sản xuất lúa gạo trên thế giới. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 502 trang.

  20. Trần Văn Đạt. 2010. Lịch sử trồng lúa Việt Nam. NXB 5 Star Printing, Nam California, 489 trang.
  21. Viện khảo cổ học. 1998. Khảo cổ học Việt Nam, Tập I: Thời đại đá Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà nội, 457 trang.
  22. Viện khảo cổ học. 1999. Khảo cổ học Việt Nam, Tập II: Thời đại kim khí Việt nam. NXB Khoa học Xã hội, Hà nội, 551 trang.
  23. Võ Tòng Xuân. 1995. History of Vietnam-IRRI cooperation.  Vietnam and IRRI: A Partnership in rice research, IRRI and Ministry of Agriculture and Food Industry, IRRI, Philippines, p. 21-29.

 

[1] Vào năm 1966, USAID có sáng kiến du nhập số lượng lớn lúa giống IR8 từ IRRI ở Philippines vào Việt Nam để trồng, nhưng thỏa hiệp giữa IRRI và chính phủ Philippines không cho phép Viện Nghiên Cứu Lúa này xuất khẩu số lượng lớn dù là lúa giống. Cuộc thương thảo diễn ra khá lâu với sự can thiệp từ bên trong và bên ngoài, cuối cùng chính phủ Marcos phải nhượng bộ và cho phép xuất khẩu 6 tấn lúa giống IR 8 vào Việt Nam giữa năm 1967 để trồng sau nạn lụt xảy ra ở Vỏ Đắt, tỉnh Bình Tuy. Cuộc CMX ở Việt Nam là do từ sáng kiến và đóng góp quan trọng của USAID ở Miền Nam.

[2] Giống lúa IR 8 được đặt tên là Thần Nông bởi Giáo sư Tôn Thất Trình khi ông làm Tổng Trưởng Bộ Canh Nông Miền Nam vào đầu năm 1968 (theo thông tin từ quý Ông Đoàn Minh Quan và TS . Trần Đăng Hồng). Thần Nông là người đầu tiên dạy người dân cách trồng trọt và chăn nuôi vào cuối thiên kỷ IV trước CN. 

[3]Có báo cáo cho rằng lúc bấy giờ hai giống lúa TN 8 và TN 5 bị thay thế bằng các giống TN 20,  TN 22, chủ yếu do hai giống này dễ bị nhiễm sâu bệnh.  Báo cáo như thế không đúng thực tế vì lúc bấy giờ (1971/72) sự phá hại của rầy nâu và bệnh cháy lá chưa quan trọng!  Lý do chính là chất lượng của hai giống này quá kém so với lúa truyền thống, làm giá hạ thấp và nông dân bắt đầu phàn nàn. Vào năm 1971-72, Chính phủ Miền Nam phải tuyên bố chánh sách bảo đảm giá lúa tối thiểu (giá sàng) để khuyến khích nông dân tiếp tục trồng lúa TN. Khi lúa TN được liên tục trồng nhiều vụ và áp dụng thuốc sát trùng phòng ngừa nên giết hại nhiều côn trùng thù nghịch thiên nhiên, cây lúa dễ bị rầy nâu và sâu ống tấn công phá hại sau này.


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215366 visitors (409268 hits) on this page!