Phiếm luận - Cúng Cô Hồn
22/8/2020

Phiếm luận:

CÚNG CÔ HỒN

Trần-Đăng Hồng

Scary ghost on dark background 

Vốn ảnh hưởng của văn hóa Tàu, người Việt Nam, ngày xưa cũng như bây giờ, đều tin tưởng rằng trong tháng 7 âm lịch có 3 sự kiện lớn là Cúng Cô Hồn, Lễ Vu Lan chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ.   Lễ Vu Lan là ngày lễ trong Phật Giáo Đại Thừa, ngày lễ con cháu báo hiếu bậc cha mẹ. Vì là ngày lễ tôn giáo nên không đề cập trong phiếm luận hôm nay. Chuyện Ngưu Lan – Chức Nữ liên quan đến thời tiết độc đáo của tháng 7 ÂL với những cơn “mưa ngâu” ngắn ngủi, là thời điểm tiểu hạn thường xảy ra trong tháng Tám DL, và cũng là thời điểm con chim Quạ thay đổi lông, nên sói đầu, làm thi nhân tưởng tượng tạo nên cảnh chim quạ nối cầu “Ô Thước” để Ngưu Lang và Chức Nữ đoàn tụ sau một năm xa cách.  Vì quá cảm động lúc gặp nhau nên cả hai  đều khóc sụt sùi tạo nên những cơn mưa ngâu tháng 7. Thôi hảy cho qua chuyện tình lảng mạn Ngưu Lang – Chức Nữ, nay chỉ bàn về chuyện Cúng Cô Hồn.

Tín ngưỡng cổ truyền tin rằng con người có hai phần: hồn và xác. Khi chết, hồn lìa khỏi xác, xác bị phân hủy còn hồn sẽ tiếp tục tồn tại. Hồn có thể về trời hay cỏi Cực Lạc, hoặc đầu thai kiếp khác, làm người hay con vật, hoặc bị đày xuống địa ngục tùy theo những điều lành hay dữ mà người đó làm khi còn sống. Tuy nhiên, dân gian cũng tin rằng, nếu một người bị chết oan, hay do những nghiệp chướng, các cô hồn không được cõi nào tiếp nhận, phải lang thang, chịu đói rét, nên quấy rối người sống để kiếm ăn.

Tục xưa cũng cho rằng tháng Bảy cửa ngục mở ra, âm cung xóa tội vong nhân, hồn người chết ở cõi âm được về gặp người sống ở cõi dương gian.

Ở Trung Hoa, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 âm lịch (còn Vu Lan thì cúng vào ngày Rằm tháng 7 AL), còn ở Việt Nam thời gian này kéo dài nguyên một tháng, không ấn định riêng ngày nào. Mặt khác dân gian còn gọi tháng bảy là "tháng cô hồn" không đem lại may mắn nên người ta thường tránh khởi sự làm ăn mua bán xây nhà trong thời gian này.

Người Việt cho rằng ngày Rằm Tháng 7 (15/7 âm lịch” là ngày "mở cửa ngục”, ngày “xá tội vong nhân” để các cô hồn nhận đồ cúng tế để ăn, cũng như quần áo, và một ít tiền vàng mã và hàng mã.

Cúng cô hồn như vậy là một hành vi mang tính nhân đạo, để "cứu giúp" những linh hồn khốn khổ. Nhưng đồng thời, cúng cô hồn cũng là một hình thức "hối lộ" để khỏi bị các oan hồn quấy phá, hoặc để được oan hồn "phù hộ".

Dầu muốn dầu không, tín ngưởng cũng biến đổi theo thời gian, theo lối sống hiện tại của thời đại.

Image may contain: one or more people

 Cúng cô hồn ngày nay với đủ loại hàng mã, như xe hơi, biệt thự, đô la, vàng khối, v.v.

Ngày nay, giới thượng lưu cúng cô hồn với đủ thứ hàng mã cao sang như rượu quý, xe hơi hàng xịn, tiền đô la, vàng nén, v.v. để cầu xin oan hồn phò hộ mình vững vàng trên đường công danh, sự nghiệp, phú quý, v.v.

Cũng vậy, thời đại ngày nay có quá nhiều oan hồn hơn ngày xưa. Vì lối sống thiếu đạo đức, xô bồ, không tuân thủ luật pháp hay không có luật pháp minh bạch, nên con người có đủ cách bị chết oan, như bệnh tật không có tiền nộp “viện phí”, chết vì nạn giao thông, vì tài xế xe container sử dụng a phiện, “tự tử” chết với giây cột giày trong trụ sở công an, tự “nhảy lầu”, v.v.

Vì chết oan, không có cơ quan cứu tế, không ai đoái thương cho ăn, nên oan hồn đói khát, tràn khắp thế gian, quậy phá cả ngày lẩn đêm để kiếm “cái ăn”. Vì có quá nhiều oan hồn tranh nhau kiếm ăn, nên các oan hồn phải tự lập thành đoàn thể, tương tự như hợp tác xả của người sống, có luật lệ riêng, có tổ chức phân công để chia địa bàn hoạt động làm ăn, có oan hồn phụ trách ở cấp tổ vài ba nhà, kẻ phụ trách cấp khóm, phường, huyện và lên dần địa phận lớn hơn.

Để yên thân, người sống phải cúng cô hồn cấp tổ trước nhất, vì ngày đêm cô hồn xoi bói vào mình. Nếu có làm ăn buôn bán thì phải cúng thêm cô hồn cấp khóm, cấp phường, cấp huyện tùy theo công chuyện làm ăn nhỏ hay lớn.

Người buôn bán vĩa hè, bán hàng rong “sống ký sinh trùng” cũng phải cúng cô hồn lề đường. Lái xe vượt tốc độ, không có bằng lái xe, chạy xe mượn, xe không “chính chủ” thì phải cúng cô hồn núp ở các lùm cây.

Những gia đình làm kinh doanh lớn phải cúng cô hồn nhiều lần trong năm, nhất là trong dịp Tết,  các dịp lể lạc, ngày vía của oan hồn cấp cao, v.v.

Cũng nhờ tục cúng cô hồn, không những trong tháng 7 mà suốt cả năm, mà nền kinh tế xứ ta chạy tốt. Người sống cúng cho vô số cô hồn đủ loại, cô hồn cấp nhỏ cũng phải cúng cô hồn cấp lớn hơn, để được yên thân giữ chức tốt “làm ăn”. tóm lại ai ai, kẻ sống cũng như người chết đều cũng phải cúng “cô hồn”.
Bài phiếm luận xin chấm dứt  ở đây, vì toàn nói xấu nên sợ cô hồn quậy phá trả thù thì khổ cái thân. Cô hồn tháng 7 mà !


https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 214063 visitors (407439 hits) on this page!