Người tạo cơ hội. . . .
28/9/2023

Người tạo cơ hội để trẻ em nông thôn vươn ra thế giới

 

Huỳnh Nhi

 

Sinh ra ở vùng quê tỉnh Sóc Trăng, tìm thấy cơ hội "đổi đời" và thành công nhờ tiếng Anh đã thôi thúc tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền mở các lớp học tiếng Anh miễn phí, giúp trẻ em nông thôn ở VN vươn ra thế giới.

 

Tự tin giới thiệu quê hương sau vài buổi học

Phan Khả Ân, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Thị Thu, H.Vũng Liêm (Vĩnh Long), kể cứ 7 giờ sáng chủ nhật, Ân mở điện thoại, chuẩn bị bài nói và sẵn sàng vào lớp học trực tuyến của cô Kate Jackson, thầy Phil Piper, những người hưu trí sinh sống ở TT.Mallacoota, bang Victoria (Úc).

Mỗi tuần chỉ học 1 buổi với thầy cô, thời gian kéo dài từ 1 - 1,5 tiếng nhưng Ân rất háo hức. "Hôm nay con sẽ giới thiệu về quê hương mình, Vĩnh Long là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được bồi đắp bởi phù sa sông Mê Kông. Nơi này có những vườn cây ăn trái bạt ngàn như xoài cát núm, quýt, thanh trà, sầu riêng…", Ân tự tin kể với thầy cô người Úc bằng tiếng Anh.


 

Một học sinh của lớp học tự tin giới thiệu các loại trái cây đặc trưng miền Tây đến khách nước ngoài

Khang Nguyễn

Cô Kate nói: "Trong lúc học, một số bạn có kỹ năng giao tiếp tốt, cũng có bạn chỉ như mới bắt đầu. Nhưng giờ đây các em không còn ngại ngùng, mọi người có thể chia sẻ câu chuyện với nhau, thậm chí kể chuyện cười cho nhau nghe".

Lúc mới tham gia lớp học, Khả Ân và các bạn e dè, không dám chia sẻ vì sợ nói sai, không thể diễn đạt điều mình muốn. Nhưng sau 7 buổi học, nhóm học sinh dạn dĩ hơn.

"Khi em nói sai hoặc không hiểu thì thầy cô nhắc lại nhiều lần, diễn tả bằng hành động, ngôn ngữ cơ thể. Mọi người mang vật dụng, đồ dùng, thực phẩm để minh họa trực tiếp cho điều mình đang nói, từ đó em thấy thoải mái hơn, không bị động và sợ nữa", Ân kể.

Từ khi theo học với thầy cô người Úc, Ân thích học tiếng Anh hơn, và em mang ao ước: "Em mong một ngày không xa được đặt chân tới Úc, trải nghiệm những điều thầy cô đã kể".

 

Tiếp cận với thế giới sớm hơn

Khả Ân là một trong nhiều học sinh đang theo học lớp tiếng Anh cho trẻ em nông thôn VN do tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty Mekong Organics (có trụ sở tại Úc), sáng lập. Từ năm 2022 tới nay, có 5 lớp học được giảng dạy ở Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và Đắk Lắk.


Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền (giữa) và 2 giáo viên người Úc của lớp học

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện lớp học này, tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền cho biết ông sinh ra trong một gia đình thuần nông ở H.Mỹ Tú (Sóc Trăng), việc đi học rất gian nan. Mãi đến khi lên đại học ông mới được tiếp cận và học tiếng Anh.

Nhờ ngôn ngữ này mà ông được nhận học bổng du học toàn phần của Chính phủ Úc (chương trình thạc sĩ và tiến sĩ), trở thành phó giáo sư danh dự tại ĐH Griffith; giảng viên cao cấp danh dự tại ĐH Quốc gia Úc; nghiên cứu viên cao cấp tại ĐH New England; thành viên của nhiều tổ chức khoa học quốc tế đóng góp cho cộng đồng.

"Tiếng Anh là chìa khóa giúp tôi mở được những cánh cửa này", tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền nói.

Vì vậy, khi thấy trẻ em nông thôn còn thiệt thòi và thiếu thốn điều kiện học tiếng Anh, thậm chí có em còn chưa gặp người nước ngoài bao giờ; điều đó đã thôi thúc ông mở một chương trình dạy tiếng Anh, giúp những đứa trẻ có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài, xa hơn là giao dịch, làm việc với họ.

Lớp học được tổ chức trực tuyến, thầy cô là người Úc đã nghỉ hưu có mong muốn đóng góp cho cộng đồng. Ngoài ra còn có du học sinh, người Việt ở nước ngoài cùng giảng dạy kỹ năng, làm cầu nối giữa học sinh Việt và giáo viên Úc.

Ngoài học trực tuyến, các em còn được tạo cơ hội gặp gỡ trực tiếp và giao lưu với khách du lịch nước ngoài đến Vĩnh Long.

Phan Tuấn Kiệt, học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt, H.Vũng Liêm (Vĩnh Long) và các bạn từng đón du khách người Áo, Mỹ đến thăm vườn xoài, trại chăn nuôi của gia đình các em. Sau đó, Kiệt dẫn mọi người đi hái xoài, thưởng thức các loại trái cây đặc trưng của VN như măng cụt, nhãn, chôm chôm…, tạo ấn tượng đẹp về Vĩnh Long trong mắt du khách.

"Từ lúc học với thầy cô, em có thêm động lực học tiếng Anh rất nhiều, em đang học thêm IELTS để có cơ hội đến Úc học tập và tiếp xúc với người bản địa", Kiệt nói.

Anh Nguyễn Hoàng Khang, từng theo học thạc sĩ tại Canada và đang là trợ giảng cho lớp tiếng Anh, chia sẻ: "Nếu biết cách học tiếng Anh, các bạn sẽ tiếp cận với thế giới sớm hơn, có định hướng trong tương lai rõ ràng. Điều đó không chỉ giúp cho bản thân, gia đình mà còn giúp vùng quê phát triển theo cách mới và sáng tạo hơn".

Chương trình học tiếng Anh kéo dài từ 2 - 3 năm cho đến khi các em tự tin giao tiếp với người nước ngoài. Mỗi lớp được đặt tên riêng theo nông sản chủ lực của địa phương đó, như: lớp Lúa ở Sóc Trăng; lớp Tôm ở Cà Mau, Kiên Giang; lớp Xoài ở Vĩnh Long và lớp Cà phê ở Đắk Lắk.

"Tôi mong các em không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn giới thiệu và quảng bá nông sản VN ra thế giới qua những lớp học tiếng Anh như thế", tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền chia sẻ.

  Huỳnh Nhi

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 233033 visitors (440691 hits) on this page!