Những vườn rau nổi trên. . .
12/10/2020

Những vườn rau nổi trên 'ruộng' lục bình ở Bangladesh

  • Kalpana Sunder
  • BBC Future

8 tháng 10 2020

NBí chín, khổ qua và đậu bắp lấp ló phía trên mảng lục bình. Chim bay là đà trên mặt nước.

Bijoy Kumar, một nông dân ở huyện Gopalganj có địa hình trũng ở Bangladesh, đứng trong nước ngập đến đầu gối để chăm sóc cây.

Ông và gia đình không thể thoát khỏi cảnh nước dâng trong thời tiết gió mùa nhiều biến động - vì vậy họ đã bỏ việc trồng lúa truyền thống mà họ đã làm từ lâu nay.

Thay vào đó, ông chuyển sang phương pháp thân thiện với môi trường vốn từng được tổ tiên áp dụng ở vùng nhiều mưa lũ phía Nam, một hình thức thủy canh truyền thống được gọi là vườn rau nổi.

Thích nghi với khí hậu

Bangladesh, do được tạo thành từ các đồng bằng bồi đắp phù sa của hệ thống sông Hằng - sông Brahmaputra, thường xuyên bị lũ lụt và ngập úng.

Mùa gió mùa khốc liệt, tuyết tan trên dãy Himalaya và những cơn bão dữ dội càng làm vấn đề thêm trầm trọng.

Hai phần ba diện tích Bangladesh là đất ngập nước với chằng chịt những con sông trĩu nặng phù sa thường xuyên thay đổi dòng chảy.

Nhiều vùng rộng lớn bị ngập nước tới tám tháng một năm, đồng thời tình trạng nước biển xâm nhập cũng khiến nhiều vùng đất ven biển không thể canh tác được.

Ấy vậy mà nông nghiệp vẫn là một trong những ngành đóng góp quan trọng nhất vào GDP của nước này.

Bangladesh cũng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với 48% trong số 160 triệu dân không có đất.

Số người bị mất nhà cửa ở Bangladesh do biến đổi khí hậu dự đoán sẽ tăng lên một phần bảy dân số vào năm 2050. Một số nông dân đang từ bỏ nghề nông và tìm kiếm những cách khác để kiếm sống, trong khi những người khác tìm việc ở những xưởng may mặc hoặc chuyển sang nuôi tôm.


Chụp lại hình ảnh,

Do mực nước biển dâng lên, tập quán canh tác nông nghiệp truyền thống từ xưa đang giúp người nông dân xoay xở, thích nghi với tình trạng bị mất đất

Nhưng ở một nơi thuộc miền trung nam Bangladesh, trong 300-400 năm qua, người dân đã theo một phương pháp canh tác truyền thống lâu đời được gọi là dhap, hay dân địa phương gọi là baira.

Đây là những vườn rau nổi - những cù lao nhân tạo, mà chỉ đơn giản là trồi lên và sụt xuống theo dòng nước. Giờ đây, các nông dân đang khôi phục lại tập quán cũ này để giảm bớt khả năng tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Những khu vườn nổi phổ biến nhất nằm ở các quận Gopalganj, Barisal và Pirojpur. Ở đây, vào mùa gió mùa, nông dân đi gom cây cỏ như lục bình hoặc thân lúa, đặt chúng ở những vùng nước đọng, dập chúng thành hình dáng chiếc bè. Họ cấy cây con vào những luống hữu cơ này và đặt chúng ở những chỗ ngập trong làng.

Kumar và gia đình ông gom lục bình rồi kết thành bè nổi hình chữ nhật và trồng rau giống lên đó.

Độ bập bềnh của vườn rau này giúp nó lên xuống theo mực nước, nước dâng lên đến đâu nó nổi lên đến đó. "Điều này đã tạo nên khác biệt cho cuộc sống của tôi. Bây giờ tôi đã có đủ lương thực trong mùa lũ và tôi có thể giúp đỡ hàng xóm và bà con họ hàng chút ít," ông nói.

Hình thức canh tác không cần đất này cũng tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, chẳng hạn như Hồ Dal ở Kashmir và Hồ Inle ở Myanmar, nơi người dân đã thích nghi với cuộc sống trên mặt nước.

Hồi tháng 12/2015, Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc tuyên bố các khu vườn nổi của Bangladesh là một hệ thống di sản nông nghiệp quan trọng toàn cầu. Đó là cảnh quan kết hợp đa dạng sinh học nông nghiệp, hệ sinh thái bền bỉ và di sản văn hóa.


Chụp lại hình ảnh,

Lục bình (bèo tây), loài thực vật xâm lấn ở nhiều vùng của Bangladesh, nay đang được biến thành 'ruộng nổi' để trồng trọt trên mặt nước

Ông Haseeb Irfanullah ở Dhaka, nhà tư vấn độc lập về môi trường và biến đổi khí hậu đồng thời là cựu điều phối viên chương trình tại Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cho biết bạn bè ông, vốn sống ở những ngôi làng như vậy, từ thuở nhỏ đã chứng kiến cảnh các bà, các mẹ làm vườn nổi. "Đó là chuyện thường tình như có một khu vườn nhỏ trên sân thượng trong nhà ở thành phố," ông nói.

Cấu tạo vườn nổi

Nông dân xếp nhiều lớp cây dại thủy sinh như bèo, lục bình hoặc gốc lúa - phần gốc của những gì còn lại sau khi gặt lúa.

Họ thường được gia đình và hàng xóm giúp đỡ. Cây dại được để cho thối rữa, sau đó thường được trộn với phân bò và bùn đất. Hạt giống được đặt trong những quả cầu nhỏ gọi là tema được làm từ đất than bùn và phủ xơ dừa.

Sau một tuần, khi cây con mọc được khoảng 15cm thì cấy chúng ra luống nổi. Với các loại rau lấy lá, như rau dền, thì người ta gieo hạt trực tiếp lên luống nổi. Sau đó các luống nổi này được neo vào cọc tre để không bị trôi đi.

Cả đàn ông và phụ nữ đều tham gia đánh luống hữu cơ nổi này, vốn có thể tồn tại khoảng từ 5 cho đến 6 tháng.

Nhà nông trồng các loại rau như đậu bắp, khổ qua, mướp, cà tím và rau lang trên những luống này, và đôi khi là các loại gia vị như nghệ và gừng.

Ngoài rau, đôi khi họ cũng có thể gieo mạ. Vào mùa mưa, nông dân chèo xuồng nhỏ để di chuyển giữa các 'đảo nổi' này.


Chụp lại hình ảnh,

Nghề nông ở nhiều nơi của Bangladesh đnag phải thích ứng với điều kiện ngập lụt bằng cách làm vườn nổi

Một luống nổi điển hình dài khoảng 6 mét, nhưng có khi có thể dài tới 55 mét và cung cấp đủ thực phẩm cho người nông dân và gia đình, đồng thời là nguồn tạo thêm thu nhập khi còn dư ra để bán.

Mọi người đang thử nghiệm với các chất liệu dùng để làm luống nổi - đôi khi họ dùng thân cây lúa và lúa mì, có khi làm thêm một hệ thống ống dẫn bên trong từ lốp ô tô và một khung tre để gia cố thêm.

"Nơi nước lặng, không bị sóng và thủy triều ở các kênh rạch, sông ngòi và đầm phá là nơi tốt nhất để trồng những luống nổi này," Irfanullah cho biết. "Đó là sự phân công lao động tuyệt vời, với phụ nữ làm những quả cầu giữ cây giống mỏng manh, còn đàn ông thì làm luống và trồng cây vào luống."

Hầu hết các luống hữu cơ không cần bất kỳ phân bón nào do cây trồng có thể hấp thụ các dưỡng chất như nitơ, kali và phốt pho từ các chất hữu cơ trong luống và nước phía dưới.

Chi phí thấp

Chi phí thấp khiến các luống nổi trở thành lựa chọn khả thi cho nhiều nông dân, ông Nazmul Islam Choudhary thuộc tổ chức quốc tế Practical Action cho biết.

Chi phí trung bình của một luống nổi là khoảng 8.000 taka Bangladesh (tức 94 đô la Mỹ), giúp nông dân có thể sản xuất lương thực quanh năm và đảm bảo an ninh lương thực ngay cả khi vào mùa mưa bão.

Theo phúc trình của Tổ chức Nông Lương, nông dân có lợi nhuận trung bình là 140 đô la trên 100 mét vuông luống nổi vào mùa gió mùa.

Hamida Bai, một nông dân ở quận Barisal, tự hào sở hữu 10 luống nổi. "Những vườn nổi này cho năng suất cao hơn vườn trên cạn," Bai nói. "Vì không sử dụng đất cho nên cây trồng ít bị sâu bệnh và cỏ dại tấn công."

Nhiều trang trại nổi mở rộng công năng trở thành nơi gia cầm và gia súc có thể trú ẩn trong mùa mưa bão và nơi người dân có thể đánh cá.

"Một lợi thế khác của vườn nổi là các loài xâm lấn gây hại như lục bình thực sự lại được biến thành lợi thế để tạo nên những kết cấu tài tình này, vì chúng có khả năng kháng mặn, dễ nổi và có rất sẵn trong tự nhiên," Irfanullah giải thích. "Điều này làm giảm nguy cơ muỗi sinh sản và các bệnh truyền qua đất."

Vào cuối vòng đời của chúng, vào cuối mùa thu khi nước rút, các nông trại nổi được rã ra, trộn với đất và được dùng để canh tác các cây trồng vụ đông như củ cải, bắp cải, súp lơ, cà chua và rau dền đỏ.


Chụp lại hình ảnh,

Nông dân vùi hạt giống vào trong những bó nùi nhỏ, chờ tới khi hạt nảy mầm, cây non sẽ được đưa ra trồng ở các luống vườn nổi

"Nó rất thân thiện với môi trường - tất cả các đầu vào và tài nguyên cần thiết đều là tự nhiên, và không tạo ra bất kỳ chất thải hoặc phụ phẩm nào có thể tác động tiêu cực đến môi trường," Fahmida Akter, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trường Y tế Công James P Grant thuộc Đại học Brac ở thủ đô Dhaka, cho biết.

Từ nam ra bắc

Vườn nổi ở Bangladesh có lịch sử lâu đời, và cách làm này đang hồi sinh trong những năm gần đây.

Nhiều khu vườn nổi đã được khởi công bởi các cơ quan chính phủ nhằm thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, và bởi các tổ chức phi chính phủ nhằm giảm tình trạng đói nghèo và khan hiếm lương thực.

Nhưng có những vấn đề đặt ra, đó là làm thế nàođể phương pháp canh tác truyền thống này có thể được áp dụng ở những nơi xa cội nguồn của nó.

Vào năm 2005, cơ quan nhân đạo Care International và IUCN đã đưa vườn nổi ra làm dự án thử nghiệm ở vùng ngập nước miền đông bắc Bangladesh, mà trong tiếng địa phương gọi là haor.

Haor là những vùng trũng lớn hình chậu giống đầm lầy tồn tại giữa đê sông và giữ nước quanh năm.

Nhưng đem một phong tục từ nơi này của đất nước đến áp dụng ở một nơi khác không hề đơn giản.

"Làm việc ở các haor là một thách thức, vì chúng không phải là địa điểm lý tưởng để làm vườn nổi - gió và dòng chảy ở đó quá mạnh," Raquibul Amin, đại diện của Bangladesh ở IUCN, cho biết.

Tổ chức Practical Action có trụ sở tại Anh cũng đã làm việc với các tổ chức địa phương để đưa vào áp dụng vườn nổi ở quận Gaibandha, miền bắc Bangladesh, vào năm 2005, cho phép người dân canh tác quanh năm, ngay cả trong điều kiện lũ lụt.

Choudhary nói rằng đó là phương pháp tốt để nông dân trồng rau ngay cả trong mùa mưa. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề liệu nó có đem lại lợi ích về mặt thương mại ở miền bắc Bangladesh, nơi cách làm này không phải là tập quán, hay không.

Tuy nhiên, vào năm 2013, chính phủ Bangladesh vẫn phê duyệt một dự án trị giá 1,6 triệu đô la nhằm phát huy các nông trại nổi để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án diễn ra tại khoảng 50 địa điểm trên khắp đất nước với sự tham gia 12.000 hộ dân ở tám quận.

"Trong vòng tám tháng, đất đai của chúng tôi chìm dưới nước và nếu không có cách canh tác này, chúng tôi sẽ không thể sống được," Abdul Ismail, một nông dân ở Gopalganj cho biết. "Mặc dù làm luống nổi trên mặt nước sâu gần 5 mét không phải là việc dễ dàng, nhưng chúng tôi vẫn làm vì thị trường đang có nhu cầu đối với các loại rau quả hữu cơ được trồng theo phương pháp này."


Chụp lại hình ảnh,

Các 'haor' ở miền bắc Bangladesh cũng bị ngập nước, nhưng việc làm vườn nổi ở đây lại không thuận lợi

Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương, năng suất vườn nổi là đáng tin cậy đến nỗi hệ thống vườn nổi có thể là cách sản xuất lương thực tốt nhất cho 60-90% dân số ở các vùng đất ngập nước miền nam Bangladesh.

Khó tiêu thụ

"Làm vườn nổi khởi đầu như một cách để nuôi cây con vào mùa gió mùa, để nông dân có thêm thời gian vào cuối mùa mưa," Irfanullah nói. "Nhưng bây giờ nó đã phát triển thành tập trung nhiều hơn vào an ninh lương thực và dinh dưỡng, kiểm soát thiên tai và tạo thêm nguồn thu nhập bổ sung cho người nghèo."

Ngay cả trên quê hương của luống nổi ở miền nam Bangladesh, cũng có những lo ngại cho tương lai lâu dài của chúng.

Pravash Mandal, một nông dân ở quận Barisal nói rằng "luống nổi không thể chịu được sóng hoặc mưa rất lớn, và nếu có thủy triều và dòng nước siết, chúng có nguy cơ phân rã".

Nước ngập tới ngập lui cũng làm giảm tốc độ sinh trưởng của lục bình, khiến nông dân không có nhiều lục bình để làm mảng.

Nhiều chợ ở thôn quê thì vẫn ở tình trạng kém phát triển khiến các hộ nông dân nhỏ lẻ khó mà phát huy.

Sự thiếu vắng bóng các phiên chợ nông sản có tổ chức để tiêu thụ nông sản khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với kiểu vườn nổi này. Và cũng khó mà bảo vệ mùa màng trước sự tấn công của thằn lằn và chuột.

"Vườn nổi có phạm vi nào đó thôi và đó là phương thức canh tác truyền thống của người nông dân miền tây nam Bangladesh trong nhiều thế kỷ," Amin nói. "Nhưng chúng tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể và thành công của nó phụ thuộc vào địa lý của nơi làm," ông nói thêm.

Các giải pháp thay thế đang được thực hiện bao gồm trồng trọt theo chiều thẳng đứng - trồng rau từ các dãy bao tải nhựa hoặc thùng khổng lồ làm từ các tấm nhựa và tre vốn không bị nhiễm mặn - và trồng cây trên cát, tức là bón phân trộn vào đầy những lỗ trên các đụn cát để trồng bí ngô.

Irfanullah cho biết vẫn còn thiếu các nghiên cứu dài hạn, nghiêm ngặt về tính khả thi của vườn nổi ở các nơi khác của đất nước và về mức độ chống chịu của chúng trước biến đổi khí hậu. Cho đến nay, các khu vườn vẫn chủ yếu là làm theo dự án và không được áp dụng rộng rãi ở miền bắc Bangladesh.

Nhưng nhiều người đã đặt hy vọng vào những khoảng không gian an toàn nhỏ hẹp này để trồng lương thực, ở một đất nước mà diện tích đất nông nghiệp ngày càng cạn kiệt.

"Đối với một quốc gia như Bangladesh, nơi thời gian ngập úng ngày càng gia tăng và kéo dài hàng năm, canh tác nổi là tương lai," Akter nói.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

 Nguồn BBC Tiếng Việt

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 208332 visitors (392707 hits) on this page!