Tản mạn về ca hát



T
N MN V CA HÁT

Nguyễn Thị Kim-Thu

Tôi thuộc loại “ca không hay mà đàn cũng dở”. Biết ta biết người nên trong các ngày họp trại thời đi học, hay tiệc tùng sau này khi ra đời, tôi đều “cười trừ” thoái thác khi có ai mời hát. Ngay cả hát ru con, tôi cũng không cất giọng “oanh vàng” của mình, mà chỉ ru con ngủ qua hò ca dao “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…”. Nói vậy, chứ tôi cũng được nhà trường hai lần mời tham gia trong ban hợp ca. Số là, để cứu trợ nạn lụt Miền Trung, rồi Miền Tây khoảng năm 1964 và 1966 gì đó, các trường trung học ở Cần Thơ tổ chức văn nghệ tại rạp hát lớn nhất Tây Đô, trong đó tất cả các trường tham gia đóng góp. Lúc đó, tôi đang học ở trường Nông Lâm Súc Cần Thơ. Thầy Nguyễn Văn Thước phụ trách phần văn nghệ của trường. Ngoài một số anh chị ca hát nỗi tiếng của trường tham gia phần đơn ca, thầy Thước còn tổ chức một số hợp ca. Trường NLS Cần Thơ là một trường nhỏ, chỉ vài trăm học sinh, mà học sinh chỉ rành “chân lắm tay bùn”, đâu có nhiều “ca sỉ” bằng các trường lớn có vài ngàn học sinh như Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, thầy Thước có sáng kiến, là trong các bài hợp ca, các anh chị hát hay đứng hàng sau, hát thật sự và hát lớn, tay cầm micro, còn hàng trước thì toàn nữ sinh mà hình dáng coi “được được” chọn đứng để “làm kiễng” cho đông người, chỉ có nhiệm vụ “chép miệng” hay hát nho nhỏ. Tôi được chọn để đứng “hát” ở hàng trước. Trước khi ra sân khấu, thầy Thước đều nhắc nhở “Các em đứng hàng đầu đừng hát lớn, chỉ cần chép miệng là đủ rồi, mà nhớ nhép miệng theo đúng điệu nhạc nhé!”.

Đó là chuyện của 50 năm trước. Trong Thế Vận Hội Olympic 2008 tổ chức ở Bắc Kinh, cả thế giới la õm tỏi khi khám phá ra rằng em bé thật xinh đẹp tên gì đó cũng chỉ đứng “chép miệng” hát bài ca khai mạc thế vận hội, mà ca sỉ thật sự lại là một em khác, xấu xí, đứng hát trong hậu trường. Té ra, ban tổ chức Thế Vận Hội của Tàu đã bắt chước thầy Thước của 50 năm trước, Người Việt ta thật tài giỏi đấy chứ, Tàu còn phải bắt chước kia mà!

Tôi không rành phía anh chị em bên nhà chồng hát hay dở thế nào, thú thật, tôi không biết. Đọc qua bài “Ông Bà Nội”, tôi chỉ biết là “Ông Chín Đờn” mù lòa, em của Ông Nội, có máu văn nghệ, biết đờn ca và thổi sáo. Cái “gen văn nghệ” đó chắc cũng có di truyền vào đời con cháu, nhưng chắc chắn là chồng tôi không có được cái “gen” này.

Ảnh không thuộc toàn bộ bài hát nào, thường là “chế” ở những đoạn không thuộc để hát nghêu ngao cho vui, nhất là khi ru con, ru cháu ngủ. Trong các cuộc cắm trại, hay lửa trại, ảnh thoái thác tài tình khi đám học trò mời ảnh hát. Duy chỉ có một lần, ở đêm lửa trại tại Đầu Sấu, đám học trò ép ảnh hát nhiều lần, cuối cùng ảnh đành phải hát, và hát bài “one hundred miles” của Mỹ. Học trò vỗ tay quá chừng, vỗ tay không phải vì ảnh hát hay, mà vỗ thay vì học trò thành công “ép” được ông thầy khó tính phải hát. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối tôi chứng kiến ảnh hát trước đám đông.

Tuy nhiên, tôi cũng như cháu Mỹ Anh và chồng cháu rất phục tài ảnh về việc “hát” ru cháu ngủ. Chỉ có một mình ảnh có khả năng ru cháu ngủ trong vòng 5-10 phút. Cả hai cháu Adam và Sammy đều do ảnh ru ngủ từ hồi mới lọt lòng cho tới bây giờ với bài hát độc nhất “Bến Xuân” của Văn Cao. Ảnh không thuộc toàn bài, nhưng chỉ cần hát “ú ù u” của điệu chim hót trong bài là hai mắt của cháu lim dim ngủ liền. Tới bây giờ, tới giờ ngủ nhưng cháu Sammy không chịu ngủ, ảnh chỉ cần “hát” bản Bến Xuân với ú ù u, thì như một cái lệnh, cháu ngủ liền sau 5-10 phút.

 

Ông ngoại ru cháu Sammy ngủ với bản hát Bến Xuân

Ảnh còn kể thêm, là khoảng 1968 anh thuyên chuyển về làm việc ở Sài Gòn, và ở chung với anh chị Bốn. Lúc đó cháu Quang 2 hay 3 tuổi, cháu Vũ mới sanh. Ảnh rất thương và chăm sóc cháu Quang hàng ngày, hàng đêm. Để ru cháu Quang ngủ, ảnh hát bài “One hundred miles” nói ở trên. Theo chị Cúc kể lại, sau khi ảnh trở về làm việc ở Cần Thơ, cháu Quang thường ngồi ở cửa ngó ra đầu đường rồi hát “hết .. răng”. Cháu đang nhớ “chú Mòng” với bài “one hundred miles”.

Tiếng hát hay hoặc dở là do tầng số cao hay thấp của cơ cổ họng rung, và đó là một đặc tính di truyền. Vì tầng số rất khác nhau ở mọi động vật, nên ta cũng có nhiều động từ để mô tả. Với tân nhạc hay cổ nhạc thì là “hát” hay “ca”, nhưng với thơ thì “ngâm”, còn ca dao thì “hò”, còn chửi lộn nhau thì “hét”. Con người và con chim biết ca (to sing), nhưng chim có giọng thánh thót hơn nên “hót”, nên mói có từ “giọng oanh vàng”.

Các con thú khác không biết hát, như cọp thì “gầm”, con ngựa thì “hí”, con bò thì “rống ”, con khỉ, con vượn thì “hú”:

Má ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu

Con vật nhỏ mà có giọng rống to không êm tai chút nào là con ễnh ương, cứ nhìn nó phùng mang trợn mắt thì ta không có chút thiện cảm nào.

Giọng hát thì phát xuất từ cổ họng. Tuy nhiên, có những con thú có phát âm rất hay là do hai cánh cọ xát vào nhau, như con dế “gáy” hay ve sầu “kêu”. Động từ “gáy” còn có nghĩa là “nổ”, tức nói quá cái tài năng thật sự. Con gà hay con dế nó “gáy” để khiêu khích địch thủ trước trận đấu, và sau khi thắng trận nó lại “gáy” thêm.

          Trong một bài báo mới đây ở hải ngoại nói về các ca sỉ Việt nổi danh ngày trước. Trong số hàng mấy chục ca sỉ hàng đầu, chỉ có Trung Chỉnh có bằng bác sỉ, và Thanh Lan có đại học Văn Khoa. Đa số chỉ mới trung học đệ nhất cấp. Lý do chính vì hát quá hay, không cần học cao hơn mà tiền tài danh vọng có đầy đủ khi tuổi còn quá trẻ.

          Trên lãnh vực toàn cầu, người hát hay và chơi thể tháo giỏi (như chạy, đá banh, boxing) thì dân nguồn gốc Phi Châu đứng hạng đầu. Không có dân Á Châu nào nổi danh trong hai lãnh vực này. Dân Việt mình có cơ cổ họng rung không cao, nên không có giọng hát ténor được. Ngày xưa, nghe các cô ca sỉ miền Bắc hát nhạc theo lối Liên Xô “eo éo” như thế nào. Cũng may, nay không còn nghe nữa. Nhạc vàng với âm điệu thấp nghe “mê hồn” hơn.

          Theo văn hóa Việt ngày xưa thì thật bất công, đối xử phân biệt với giới nghệ sỉ, cho giới này là “xướng ca vô loại”. Ai ai cũng thích thưởng thức ca nhạc và ái mộ các ca sỉ nổi danh, nhưng trong lòng lại khinh khi giới này. Còn thời nay thì khác, các ca sỉ nổi danh bây giờ đều là “đại gia” cả, có biệt thự cao sang, có xe “xịn”, lại được có “dù che” mát mẻ nếu là nữ ca sỉ đẹp.

Reading, 7/2012

Nguyễn Thị Kim-Thu

 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 196448 visitors (363107 hits) on this page!