Khi rừng tre trỗ bông
9/2013
KHI RỪNG TRE TRỖ BÔNG

Trần-Đăng Hồng, PhD


 

Chúng ta ít khi thấy tre trổ bông, vì hiện tượng trổ bông ở loài tre rất hiếm, có khi cả thế kỷ mới xãy ra một lần, mà chúng trổ bông tập thể cùng một lúc cả một diện tích lớn, cả khu rừng, và khi kết trái xong, cả bụi tre hay cả rừng tre bị chết. Một điều kỳ lạ nữa ở loài tre, một khi được gây giống vô tính (bằng hom) và đem trồng ở một nơi khác cách xa vạn dặm, nơi có khí hậu khác biệt, chúng cũng cùng trổ bông, kết trái và chết cùng lúc với bụi tre nguồn cội.
Trong danh từ khoa học thực vật, các từ “semelparous”, “hapaxanthic”, “monocarpic” đều ám chỉ loại thực vật trổ bông, kết trái một lần trong đời rồi chết ngay sau đó. Tre thuộc loại này, chúng trổ bông tập thể (gregarious flowering, mass flowering) và chết tập thể. Tuy nhiên, không phải loài tre nào cũng vậy, còn tùy giống (genus) hay loài (species) và tùy nơi trồng. Có giống ra bông hàng năm mà không chết sau đó, có giống cả trăm năm mới ra bông kết trái một lần rồi chết khi có hạt.
Trên thế giới có khoảng 5000 loài (species) phân loại trong 92 giống (genus, genera) trong tộc Tre (Bambuseae), được phân bố từ xích đạo cho tới vĩ tuyến 50° ở mọi châu lục.
Tại Việt Nam, theo Phạm Hoàng Hộ, có 23 giống tre gồm Arundinaria (Sặt, 5 loài), Sinarundinaria (Sặt, 6 loài), Sasa (Trúc, 2 loài), Indosasa (Trúc, 1 loài), Acidosasa (Tre, 1 loài), Bonia (Le, 1 loài), Tetragonocalamus (Trúc, 1 loài), Vietnamosasa (Quyên, 2 loài), Phyllostachys (Trúc, Tre, 6 loài), Bambusa (Tre, 36 loài), Chimonobambusa (2 loài), Gigantochloa (Tre, 9 loài), Thyrsostachys (Tầm vông, 1 loài), Dendrocalamus (Tre, 12 loài), Sinocalamus (Tre, 5 loài), Dinochloa (Tre leo, 2 loài), Melocalamus (Tre lịm, 1 loài), Schizostachyum (Nứa, 11 loài), Cephalostachyum (Đinh trúc, 3 loài), Pseudostachyum (Lồ ồ, 1 loài), Taenlostachyum (Nứa, 1 loài), Oxytenanthera (Le, 9 loài), Pseudoxynanthera (Le, 1 loài), tổng cộng 118 loài tre.
Dựa vào bản chất trổ bông, tre được chia làm 3 nhóm: (i) nhóm tre trổ bông tập thể và chết khi trái già rụng theo chu kỳ dài; (ii) nhóm tre trổ bông hàng năm; (iii) và nhóm tre trổ bông bất thường. Như vậy, chu kỳ từ sống đến trổ bông và chết của một tập đoàn tre coi như tuổi thọ của loài tre đó. Có loài tre có tuổi thọ ngắn, có loài tre thọ tới 150 năm.

“Tre tàn măng mọc”
 
Trong thiên nhiên, tre sinh sôi nẩy nở bằng 2 cách, vô tính và hữu tính. Tre sinh sản vô tính qua cách nhảy bụi, măng non mọc từ căn hành (rhizome) ở gốc tre, phát triển lớn thành cây tre, và tiếp tục như vậy thành bụi tre. Và nếu bụi tre không chết, tiếp tục lú măng như vậy thành một đám tre, rồi rừng tre đồng nhất, trong đó mọi cây tre có cùng bộ di truyền thuần chủng. Đến một tuổi già nào đó, đám tre hay rừng tre thuần chủng trổ bông kết trái đồng loạt, cả đám tre hay rừng tre thuần chủng chết rụi. Bây giờ, tre sinh sôi nẩy nở bằng hữu tính. Hạt tre rơi rụng xuống đất, nơi gốc cha mẹ đã chết, bay theo gió, trôi theo nước đến một nơi khác, chúng nãy mầm, tạo một rừng tre mới. Mặc dầu cha mẹ là thuần chủng, nhưng theo luật di truyền, các hạt tre nay có bộ di truyền khác nhau, nên rừng tre mới không còn thuần chủng, rừng tre có hàng vạn gốc tre có bộ di truyền khác nhau. Rồi với thời gian, mỗi gốc tre sinh sản tạo một bụi hay đám tre thuần chủng với nó, và theo luật cạnh tranh sinh tồn, đám tre nào mạnh sẽ sống còn, đám tre nào yếu sẽ bị hủy diệt. Rừng tre bây giờ gồm nhiều đám tre thuần chủng.
Hầu hết các giống tre quan trọng về kinh tế thuộc vào nhóm trổ bông đồng loạt và chết tập thể sau một chu kỳ dài ở tất cả bụi tre có cùng huyết thống do sinh sản vô tính (thuần chủng). Trong một rừng tre cùng một loài, nhưng không hẳn thuần chủng 100%, vì vậy, tuy nói trổ bông đồng loạt, thật sự cả rừng trổ bông kéo dài trong 1 hay 2 năm, và lần lượt chết cũng trong vòng một hai năm.
Trước khi trổ bông, bụi tre ngừng sinh trưởng, không mọc măng mới, thân tre già, sau đó trổ bông, kết trái, hạt già, chùm bông rơi, hay bay theo gió, đồng thời bụi tre tàn úa và chết dần.
Chu kỳ trổ bông dài hay ngắn tùy thuộc chánh vào loài tre, và địa phương. Chu kỳ biến đổi từ vài ba năm cho tới 150 năm.
 
Bảng 1. Chu kỳ trổ bông/chết.
 
Loài
Chu kỳ trổ bông (năm)
Chú thích
Bambusa vulgaris
150
Á châu
130
Nhật
Dendrocalamus strictus
65
Tây Ấn Độ
Arundinaria spathiflora
60
Hy Mã Lạp Sơn
Melocanna baccifera
48-50
Ấn Độ
Bambusa chunii
50
Hong Kong
Bambusa. flexuosa
50
Hong Kong
Bambusa tulda
15 - 48
Việt Nam, Ấn Độ, tùy nơi
Schizostachyum dullooa
47
Ấn Độ, Bangladesh
Dendrocalamus strictus
25-45
Ấn Độ, Bangladesh, tùy nơi
30-35
Nhật
Bambusa arundinacea
31-34
Việt nam
Chusquea abeitifolia
32
Jamaica
Arundinaria falcata
20-30
Hy Mã Lạp Sơn
Bambusa arnhemica
4
 
Pseudoxytenanthera ritcheyi
?
Ấn Độ, trổ bông tập thể/chết
Fargesias murielae
?
Trung quốc,trổ bông rồi chết
Otatea accuminata aztecorum
?
California, trổ bông rồi chết
Sasa megalophylla f. nobilis,
?
Trổ bông tập thể/chết
Phyllostachys vivax
?
Hoa Kỳ, trổ bông tập thể/chết
 
Như vậy chu kỳ trổ bông và chết của tre biến thiên từ 4 đến 150 năm, không riêng gì trong giống Bambusa mà còn trong nhiều giống tre khác.
Cũng không phải lúc nào sau khi trổ bông và kết trái, cả rừng tre chết hoàn toàn. Chẳng hạn, loài tre Arundinaria falcata ở vùng núi cao phía Tây Hy Mã Lạp Sơncó chu kỳ trổ bông đồng loạt 28-30 năm, tuy nhiên không phải cả rừng chết hết sau khi kết trái, mà có một số bụi sống sót, tiếp tục sống sau khi có bông kết trái, và trong số này có một số gốc tre già lại trổ bông hàng năm và không chết.
Chu kỳ trổ bông và chết tập thể cũng thay đổi theo vùng địa lý. Schizostachyum dullooa có chu kỳ 47 năm (1927 – 1974) ở Đông Bắc Ấn Độ, 37 năm (1962 – 1999) ở Bangladesh, nhưng thỉnh thoảng cũng trổ bông không định kỳ trong thời gian 1951 -1968 ở Assam. Dendrocalamus strictus là giống tre trổ bông đồng loạt, được trồng quy mô rộng lớn khắp Ấn Độ để làm bột giấy. Loài tre này có chu kỳ trổ bông đồng loạt khác nhau, khoảng 25 năm cho vùng Nam Ấn Độ, 40-45 năm ở Đông Bắc và Trung Ấn, 45 năm ở Bangladesh và 65 năm ở Tây Ấn Độ. Giống này thỉnh thoảng cũng trổ bông hàng năm ở một vài bụi tre, và là nguồn giống hột tre để canh tác. Tre Bambusa tulda (Tre Xiêm) có chu kỳ trổ bông 15 năm ở Việt Nam, nhưng 48 năm ở Ấn độ.
Cũng có loài tre trổ bông tập thể, nhưng không kết trái cho hột. Chẳng hạn, loài tre Bambusa vulgaris chỉ sinh sản bằng vô tính. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, có khi 150 năm, một vài thân tre trong đám có bông nhưng không kết thành trái. Vì không có hạt, giống tre này chỉ gây giống bằng cách vô tính. Giống tre này sinh trưởng rất mạnh, không chết cả đám, nên là loài tre được ưa chuộng nhất để trồng.
Tương tự, Bambusa atra Schizostachyum brachycladum ra bông thường xuyên, nhưng cũng không kết trái kết hạt, và như vậy tiếp tục sống và tăng trưởng mạnh năm này qua năm khác.
Ngược lại tre Ochlandra stridula trổ bông và kết trái tạo hột hàng năm.
Tre Fargesia murielae của Trung quốc được du nhập vào Âu châu và Hoa Kỳ đầu thế kỷ 19. Vào thập niên 1990s, giống tre này trổ bông đồng loạt cùng một lúc tại Trung quốc, Âu Châu và Hoa Kỳ mặc dầu điều kiện khí hậu, đất đai, côn trùng, v.v. hoàn toàn khác nhau. Loài tre Pseudoxytenanthera ritcheyi trổ bông đồng loạt cùng một thời điểm ở Western Ghats, Pune, và Maharashtra, 3 nơi rất cách xa nhau và khí hậu khác nhau.
Tre Arundinaria falcata thuộc loại tre trổ bông kết trái đồng loạt với chu kỳ dài rồi chết đồng loạt, nhưng cũng ở loài tre này có vài cây trong đám ra bông kết trái hàng năm và tiếp tục sống.
Tại vùng Kanchanaburi ở Thái Lan nhiều loài tre bambusetum cũng thỉnh thoảng trổ bông từng bụi, và là nguồn hột giống của tre được thu hoạch mỗi một hay hai năm.
Dendrocalamus asper trổ bông đồng loạt ở Thai Lan, nhưng loài này không bao giờ trổ bông khi du nhập vào SriLanka từ nhiều thế kỷ nay.
Bambusa atra ra bông và chết tập thể ở rừng nguồn gốc Indonesia, được du nhập vào SriLanka. Ở đây, loài tre này cũng trổ bông hàng loạt, kết trái, nhưng tre vẫn không chết sau đó.
Cũng vậy, tre Phyllostachys bambusoides ở vườn bách thảo Huntington Garden gần Los Angeles trổ bông, tàn tạ, nhưng sau đó hồi phục và tiếp tục sống, trong lúc Phyllostachys bambusoides thuộc dòng 'Castillonis', Otatea accuminata aztecorumSasa megalophylla f. nobilis, trổ bông rồi chết và hoàn toàn mất giống ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Tre Phyllostachys elegans cũng tại vườn bách thảo này trổ bông hàng năm trong suốt 10 năm, cây tre vẫn không chết, nhưng sức tăng trưởng không mạnh lắm.
Trong cùng một khu rừng, như ở Mizoram Ấn Độ có hai loài tre chính, trổ bông đồng loạt là Melocanna baccifera Bambusa tulda có cùng chu kỳ trổ bông là 48 năm, nhưng 2 loài tre này không trổ bông cùng lúc, loài B. tulda trổ bông sau M. Baccifera 18 năm. Theo hồ sơ của cơ quan Thủy Lâm Ấn Độ, B. tulda trổ bông đồng loạt vào 1880-1884, 1928-1929, 1976-1979. Tường trình cũng cho biết loài tre này thoạt tiên trổ bông trước ở phía nam vùng Mizoram, rồi lan dần ra phía bắc, rồi đến vùng Assam. Còn loài M. baccifera trổ bông đồng loạt vào 1910-1912, 1958-1959 và 2007 ở miền Bắc Ấn Độ với chu kỳ 48 năm. Loại tre này cũng trổ bông cùng lúc tại vùng Chitagong, và tại vườn bách thảo Sri Lanka cách xa vạn dặm.
 
CHUYỆN GÌ XẢY RA KHI RỪNG TRE TRỔ BÔNG?
Hiện tượng tre trổ bông đồng loạt xảy ra ở tre hoang dại mọc trong rừng cũng như ở tre canh tác trồng quanh nhà.
Mọi sắc tộc sống trong rừng, ở Việt Nam cũng như khắp Á Châu, đều tin tưởng rằng tre trổ bông báo hiệu điều dữ sẽ xảy ra trong năm tới: nạn đói, bệnh tật, bất ổn xã hội, và chiến tranh giữa các bộ lạc sống trong rừng.
Đây không phải là dị đoan nhảm nhí mà dựa trên sự kiện lịch sử xảy ra theo chu kỳ trùng hợp với hiện tượng rừng tre trổ bông rồi chết tập thể.
 
1. Cư dân sống nhờ tre sẽ gặp khó khăn kinh tế khi cả rừng tre bị chết. Măng là thức ăn quan trọng ở vùng núi. Ca dao "Lính thú đời xưa”:
.... Ðốn tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
 
Cây tre, trúc, mai, giang, nứa, vầu, sặt, lay, le, lồ ồ, luồng, tầm vông, hóp, v.v. đều là tên của loài cây trong họ Tre. Tre còn là vật liệu xây dựng, làm bột giấy. 50-80% nguồn lợi kinh tế gia đình của cư dân sống trong rừng dựa vào tre. Khi một rừng tre chết, 80% cư dân sống quanh cánh rừng đó bị ảnh hưởng nặng nề.
2. Cháy rừng và soi mòn đất đai. Khi rừng tre chết, phải mất tối thiểu 4-5 năm mới có rừng mới, trong thời gian này cây tre khô chết dễ gây cháy rừng, và đất rừng xoi mòn trầm trọng.
3. Nạn chuột. Hạt tre là nguồn thức ăn bổ dưỡng của chuột, chỉ trong một thời gian ngắn, chuột sinh sôi nẩy nở thành tập đoàn lớn. Khi hạt tre nẩy mầm thành cây, chuột thiếu thức ăn, nên di cư từng đàn lớn đến các nương rẫy và thôn xóm kế cận phá hủy mùa màng, nhà kho, gây thất mùa và đói kém cho cư dân.
4. Dịch hạch do chuột gây nên.
5. Vì thất mùa, thiếu ăn, bệnh tật tạo bất ổn xã hội, như đã xảy ra ở Mizoram Ấn Độ trong thập niên 1960s, dân chúng đã nổi loạn chống chánh phủ và phải mất 20 năm mới tái lập được hòa bình.
Sở dĩ nạn đói trầm trọng và bất ổn xã hội xảy ra ở Mizoram vì tại vùng này rừng tre Melocanna baccifera thuần chủng chiếm diện tích tới 26.000 cây số vuông và trổ bông chu kỳ 48-50 năm (1862, 1881, 1911 - 1912 và 1958 – 1959). Rút kinh nghiệm nguyên nhân nạn đói và bất ổn xã hội xảy ra năm 1960 tại Mizoram, nhờ tiên đoán rừng tre sẽ trổ bông trong vài năm tới, chính phủ địa phương đã dự bị biện pháp đối đầu vấn nạn hậu quả rừng tre chết, như biện pháp diệt chuột, cứu trợ thực phẩm nhanh chóng, v.v. nên xã hội được bình thường khi cả rừng tre trổ bông và chết vào năm 2007.
Tại Việt Nam, ảnh hưởng của hiện tượng tre rừng trổ bông vào đời sống người dân không nhiều, vì rừng tre ở Việt Nam không thuần một loài tre, mà là rừng tạp với rất nhiều loài như Bambusa tulda (tre Xiêm) mọc chung với B. arundinacea (tre mở), B. blumeana (tre ngà), hay B. vulgaris (tầm vông), v.v. Với loại rừng tạp, loài tre này chết, nhưng các loài kia còn sống, vì các loài này không trổ bông cùng lúc.
 
LÝ DO TRE TRỔ BÔNG VÀ CHẾT TẬP THỂ
Hiện tượng trổ bông và chết tập thể ở tre là một bí ẩn tới nay chưa được giải thích.
1. Tại sao tre chết sau khi trổ bông kết trái?
2. Tại sao chu kỳ trổ bông/chết biến đổi quá lớn giữa một hai năm đến 150 năm giữa các loài?
3. Nếu là do tác động của môi trường, tại sao trong cùng một cánh rừng, loài tre này trổ bông, loài tre kia lại không?
4. Tại sao chúng đồng loạt trổ bông cùng một thời điểm khi một giống tre đó được đem trồng ở nhiều nơi trên thế giới có khí hậu môi trường sống khác nhau. Đó là trường hợp các loài tre sưu tập trong các vườn bách thảo trên khắp thế giới?
Đa số loài cây trong họ Hòa bảng (Gramineae), trong đó có tre và nhiều loại ngũ cốc như lúa, bắp v.v., cũng như nhiều họ thực vật hàng niên hay đa niên khác, sau khi ra bông, kết trái xong thì chết, kết thúc một chu kỳ. Đó là những loài thực vật cho năng xuất hột (hạt) cao nhất, vì tất cả gia tài năng lượng tồn trử trong rễ, thân, lá đều được chuyển đến hột. Vì vậy, cây kiệt quệ và chết, “hy sinh đời bố để củng cố đời con” cho nòi giống được sinh tồn.
Tre mọc thành bụi gồm nhiều cây, “Tre già măng mọc”, nhiều thế hệ vẫn “cắm dùi” tại một chỗ. Con người lợi dụng đặc tính không di động này của tre để trồng thành hàng rào, làm ranh giới làng mạc hay vườn nhà. Vì qua nhiều thế hệ, có thể vài chục năm đến trăm năm, đất trở nên cằn cỗi, không còn thích hợp để sinh tồn, khóm tre quyết định ra hoa, kết trái thật nhiều rồi nguyên cả bụi tre hay rừng tre đồng loạt chết cùng lúc. Hạt tre theo gió, nước mưa, phát tán đến nơi khác có đất màu mở hơn, và tái tạo rừng tre mới. Nơi rừng tre cũ, cây chết và cháy rừng, đất tái tạo lại phì nhiêu hơn nhờ tro cháy của chính thân xác mình. Tre con mọc lại từ hạt hay từ căn hành tái tạo lại rừng tre mới. Nhưng làm sao cả rừng tre biết lúc nào cần phải “hy sinh đời bố”?
Hai yếu tố quan trọng nhất để cây cối sinh sống và sinh tồn là nước và nhiệt độ. Nước có từ mưa. Mưa và nhiệt độ thì tùy thuộc vào sự vận chuyển của trái đất quanh mặt trời theo một quỹ đạo hình bầu dục (bán kính không bằng nhau, lúc xa lúc gần mặt trời) với chu kỳ một năm 365 ngày, và trục quay trái đất cũng nghiêng ngã một góc 23°48’, nên tạo ra ngày dài ngày ngắn, tháng nào nóng, tháng nào lạnh, mùa nào mưa mùa nào khô hạn. Chính 2 yếu tố thời gian của ngày (ngày dài, ngày ngắn), và nhiệt độ (lạnh và nóng) là hai yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng việc trổ bông và sinh tồn ở cây cối vùng ôn đới, vì ở vùng này, mưa phân phối đều quanh năm. Còn ở vùng nhiệt đới, trời nóng quanh năm, nhiệt độ không còn quan trọng nữa, nhưng mưa theo mùa vì bị ảnh hưởng bởi gió mùa, nên 2 yếu tố thời gian ngày ngắn và thời kỳ khô hạn là quan trọng. Vì vậy ta không ngạc nhiên đa số cây vùng nhiệt đới trổ bông vào mùa khô (chẳng hạn vào dịp Tết), kết trái, chín vào cuối mùa khô, để hột rụng và nẩy mầm vào đầu mùa mưa, cây con tăng trưởng nhanh trong mùa mưa để đủ sức sống sót trong mùa khô hạn năm sau. Để sinh tồn, mọi giống loài cây ở ôn đới hay nhiệt đới đều được thiên nhiên sàng lọc, tuyển chọn, để bộ máy di truyền ra lệnh, dựa vào lịch vận chuyển của trái đất, khi nào hạt nẩy mầm, lớn lên, ra bông, kết trái để nòi giống được sinh tồn.
Trong suốt thập niên 1980s, Đại Học Reading (Anh quốc) có một chương trình nghiên cứu lớn kéo dài hơn 10 năm (mà tác giả có góp phần) để tìm mô hình toán học tính toán thời gian từ lúc gieo đến lúc trổ bông cho các loại hoa màu canh tác chánh như lúa mì, lúa Á châu, và các loại đậu. Công thức tiên đoán ngày trổ bông dựa vào số giờ của ngày (từ mặt trời mọc đến lặn), và nhiệt độ ngày đêm, để giúp các nhà lai tạo giống ở bất cứ nơi nào trên thế giới (nếu biết rõ tọa độ) trồng các giống để chúng cùng ra hoa một lúc cho công tác lai tạo.
Ngày nay, kiến thức khoa học về yếu tố ảnh hưởng đến việc trổ bông ở cây hoa màu, rau, hoa, cây ăn trái, vùng ôn đới hay nhiệt đới, rất phong phú và được áp dụng thực tiễn trong việc sản xuất hoa trổ bông quanh năm, hay sản xuất trái cây ngược mùa.
Ngày nay, trồng cây trong nhà/phòng có thiết bị kiểm soát thời gian có ánh sáng (ngày dài hay ngắn), phẩm chất ánh sáng (độ dài sóng), nhiệt độ, kỷ thuật xuân hóa (đông hàn, vernalization), thêm hay bớt chất dinh dưỡng, tạo stress (không tưới nươc, nhiệt, tạo đói chất dinh dưỡng nào đó, v.v.) rất hiệu quả để cây ra bông, kết trái.
Chẳng hạn, nông dân Việt Nam ngày nay biết đốt thêm đèn (để tạo thời gian ngày dài có số giờ thích hợp) để cây thanh long có trái quanh năm, hay biết phương pháp để xoài, măng cụt, cam quít v.v. có trái sớm hơn hay trể hơn, hay thơm khóm ra trái bất cứ mùa nào để bán có giá trên thị trường.
Tuy nhiên, yếu tố ảnh hưởng để tre trổ bông vẫn còn là một bí ẩn. Dĩ nhiên, thời gian ngày ngắn, khô hạn (hạn hán), nhiệt độ có ảnh hưởng vào việc trổ bông của tre, nhưng không phải là yếu tố chánh. Chẳng hạn, thời gian ngày và nhiệt độ có ảnh hưởng đến thời gian của chu kỳ trổ bông, như B. tulda có chu kỳ 15 năm ở Việt Nam, nhưng kéo dài tới 48 năm ở vùng bắc lạnh lẽo của Ấn Độ.
Hạn hán cũng là một yếu tố để tre trổ bông, như KS Trần Cảnh Thu đã nhận xét trong 3 lần công tác năm 1988 tại Bù Đăng (Bình Phước). Vào năm này, đại hạn hán xảy ra làm cà phê thất mùa trầm trọng, cùng lúc với tre rừng trổ bông và chết hàng loạt. Cư dân cho biết là trước kia 60 năm tre mới trổ bông một lần, trùng hợp với năm hạn hán, và hạn hán trước kia ít xảy ra, nhưng bây giờ với nạn phá rừng trồng cà phê, hạn hán thường xuyên xảy ra, và chu kỳ tre trổ bông rút ngắn lại, có khi chỉ 10 năm tre lại trổ bông.
Các nghiên cứu ở Jamaica cũng cho biết là hạn hán có ảnh hưởng đến hiện tượng trổ bông của tre, nhưng không phải lúc nào có hạn hán là tre đều trổ bông, và ngay cả ở những năm mưa thuận gió hòa tre cũng trổ bông và chết. Nghiên cứu ở Ấn Độ cho biết nơi nào bị ngập lụt lâu dài thì tre trổ bông, còn nơi cao ráo cũng trong vùng đó không bị lụt thì tre không trổ bông. Cháy rừng cũng làm tre trổ bông sau đó. Như vậy, một giả thuyết khác là khi tre bị “stress” (vì hạn hán, lụt, cháy rừng) có nguy cơ bị chết thì bộ di truyền ra lệnh sản xuất các kích thích tố để tre trổ bông kết trái để sinh tồn bảo vệ nòi giống. Các nghiên cứu cấy mô (tissue culture) thành công tạo được tre ra hoa khi chỉ cần thêm bớt kích thích tố vào môi trường cấy. Nhưng yếu tố gì để các giống tre cùng một nguồn gốc trồng ở các vườn bách thảo trên khắp thế giới có môi trường khí hậu khác biệt cùng hè nhau trổ bông rồi chết tập thể? Vì vậy, thuyết mới nhất là “đồng hồ sinh học” được thiết kế chương trình sẵn trong bộ di truyền của tre, và tới thời điểm hay tuổi nào đó đồng hồ ra lệnh phải ra hoa, kết trái và chết. Hiện nay, ngành sinh học di truyền đang nghiên cứu bộ gen của tre để xác định những gen nào trong bộ máy “đồng hồ sinh học” quy định việc trổ bông ở Tre.
 
Reading, 9/2013
Trần-Đăng Hồng, PhD
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 193452 visitors (351086 hits) on this page!