Cái chết của ông đồ tể

15/4/2012

 

CÁI CHẾT CỦA ÔNG ĐỒ TỂ

 

Nguyễn Thị Kim-Thu

 

 

Trưa hè trời thật oi bức. Trong cái tỉnh mịch êm ả của vùng ngoại ô, thình lình có tiếng chó sủa, chó tru vang khắp xóm. Tiếng chó tru nghe lạnh xương sống. Rồi cả đoàn con nít lăng xăng chạy ngoài đường, kêu gọi “Tụi bay ơi, mau ra đầu cầu xem Chú Tư Rô giết chó”. Má tôi vội vàng chạy ra đóng kín cửa ngỏ, cửa cái. Má không muốn chị em tôi nghe và biết cái cảnh này. Mấy em trai tôi thập thò nhìn qua khe cửa, Má phải quát tháo để các em trở vào ngồi bàn học.
                              
 
           Các bô lảo kỳ cựu trong xóm ghét cay ghét đắng ông Tư Rô, kể từ ngày ông làm thêm nghề thịt chó tại nhà cho bất cứ ai đặt hàng. Các cụ kết tội ông đã phá hủy cuộc sống êm ả của thôn xóm vốn có từ bao đời, đầu độc trẻ em với cảnh dã man giết chó trước mắt mọi người.

          Gia đình tôi từ bao đời tuân theo giới cấm không sát sanh. Từ thời bà Cố đi tu và lập Chùa Bảo An Tự (Chuyện Con Rùa), cả dòng họ không những cấm ăn thịt rùa mà vào ngày giỗ của Bà, con cháu ra chợ gom mua rùa và chim để phóng sanh. Ngoài ra, gia đình tôi tuyệt nhiên không ăn thịt rắn hay chuột. Ngay cả lươn và cá trê trắng má cũng không cho ăn, vì má nói vào mùa nước nổi, hai loại này chui vào mả ăn thịt người chết. Má kể lại rằng các người đào hài cốt cho biết ngay sau mùa nước nổi họ chứng kiến cả hàng mấy chục con lươn và cá trê trắng chen chúc trong quan tài người chết.

          Mọi người không biết rõ Ông Tư Rô từ đâu đến cư ngụ. Trong thời buổi chiến tranh thôn xóm tôi rất bao dung và từ tâm chấp nhận hết mọi người từ trong quê chạy giặc. Bên này con lộ nhỏ là vườn tược có chủ từ bao đời, cư dân cố cựu, có nhà cửa khang trang, giàu có. Ngược lại, bên kia con lộ dọc bờ sông là dải đất bồi nhỏ hẹp, không có chủ chính thức. Các vị hương chức trong làng cho phép dân tứ xứ về lánh nạn, cất nhà dọc mé sông, nửa nền trên bờ nửa nhà sàn dưới nước, như tôi đã kể trong các truyện “Ông Lái Đò”, “Bông Lục Bình oan nghiệt”. Có người nói ông Tư Rô cũng thuộc gia đình khá giả, có vườn, có ruộng ở miệt Sua Đủa. Vì vấn đề an ninh, ông cùng 4 đứa con bỏ tất cả tản cư  ra thành phố, ngay sau khi vợ ông bị lạc đạn chết trong đêm hai bên giao tranh tại thôn ấp của ông.

          Để nuôi bốn đứa con, ông làm đủ thứ nghề, từ vác mướn ở kho vựa lúa, cho tới cuốc đất, làm cỏ, trồng cây v.v., bất cứ ai mướn, nhưng công việc thất thường, khi có khi không. Cuối cùng có người giới thiệu ông vào làm ở lò sát sinh, phụ giúp cạo lông, rửa thịt, v.v. có lương hàng tháng. Rồi thời gian trôi qua, ông trở thành “đồ tể” chánh của lò sát sinh, nhưng không ai tò mò biết.

          Ông Tư Rô ít giao du với láng giềng. Các con ông cũng vậy. Đứa con trai lớn tên Chuồn, đứa trai kế tên Cơ, tiếp theo cô gái tên Bích và cậu trai út tên Xì. Có người khôi hài cho rằng chắc Tư Rô ham cờ bạc nên đặt tên con theo bộ bài tây. Ông chăm chú làm ăn, không lân la tới các sòng bài hay đá gà. Người ta để ý là chiều nào, đi làm về ông cũng say sưa, mặt đỏ gay, nhưng tốt nết, không la ó hay ói mửa ngoài đường. Say sưa nhậu nhẹt là cảnh thường tình ở vùng quê, chẳng ai màng tới.

          Cho tới một ngày, láng giềng thấy ông mang một bao bố đựng một thứ gì nhúc nhích. Ông ra đầu cầu nhận chìm bao bố xuống nước, bao bố nhảy lên nhảy xuống dữ dội, bong bóng nước nỗi lên sùng sục. Ít phút sau, bao bố im lìm. Ông xách lên, thì ra bên trong là một con chó bị buộc chân, buộc miệng đã chết ngộp. Bọn con nít hiếu kỳ la lên “Con chó tụi bay ơi, con chó bị nhận nước chết tụi bay ơi!”. Ông mang chó vào nhà, đóng kín cửa. Con nít bu trước nhà, nhìn vào trong. Ông Tư Rô làm thịt chó.

          Tin ông Tư Rô làm thịt chó được bọn con nít tung ra làm chấn động cả xóm. Bây giờ mọi người mới bắt đầu xì xầm về đời tư của ông. Miệng chuyền miệng, là từ nhiều năm nay, Tư Rô làm đồ tể chánh ở lò sát sinh, ông thọc huyết heo, đập đầu trâu bò bằng búa tạ, v.v. Người ta nói, trước khi giết trâu bò, ông uống thật nhiều rượu để có can đảm làm chuyện dã man. Trong thời buổi chiến tranh, dân tứ xứ về thành phố tránh nạn binh đao, mang theo nhiều  thói lạ, ăn thịt chó. Thế là người ta mướn ông làm thịt chó.

          Kể từ ngày biết rõ nghề đồ tể của ông, cả xóm tôi nhìn ông và các con ông bằng con mắt khác, không còn thân thiện như xưa. Nguyên cả  thôn xóm tôi theo đạo Phật, mà từ trước tới giờ chưa có ai phá giới ăn thịt chó, huống chi giết chó làm thịt. Ai ai cũng xa lánh. Về phần tôi, kể từ đó tôi rờn rợn khi gặp ông, tôi tránh đi đường khác. Mặt ông đỏ ngầu, mắt đầy tia máu. Một điều lạ, là khi ông đến đâu, đàn chó sủa, tru ầm lên. Lạ hơn nữa, với người bình thường, chó sủa với tư thế tiến tới để tấn công, nhưng khi gặp ông, chó sủa, tru nhưng trong tư thế rút chạy. Ông vung tay, cả đàn chó hoảng sợ chạy tứ tán, đứng từ xa ngó lại ông để sủa. Em tôi giải thích là ông Tư Rô có đàn “ma chó” đi theo, cảnh báo cho đồng loại biết là đừng tới gần ông mà toi mạng. Kể cũng lạ!

          Rồi vào một buổi chiều nọ, cả xóm lại có tin giựt gân là ông Tư Rô bị một con trâu trong lò sát sinh báng đổ ruột, chở vào nhà thương. Tò mò, em trai tôi đi nhặt tin tức từ các bạn đồng lứa mà gia đình ở kế cận nhà Tư Rô. Nó kể lại và dặn là đừng cho ba má biết, vì gia đình tôi rất nghiêm khắc trong chuyện tọc mạch. Nó kể là buổi chiều đó, sau khi uống một ly rượu để lấy can đảm, ông xách búa tạ ra chỗ buộc một con trâu. Con trâu biết sắp bị giết chết, rống lên, dùng hết sức mạnh vẩy vùng, dây cột bị đứt. Nó chạy tới, dùng sừng húc mạnh vào Tư Rô, ông bay bổng lên không rồi rớt bịch xuống đất. Ông bị đổ ruột, máu lênh láng. Con trâu tiếp tục tấn công các công nhân khác, nhưng may ai cũng chạy trốn được. Cuối cùng con trâu bị cảnh sát bắn chết. Người ta vội vàng chở Tư Rô vào nhà thương. Bốn ngày sau, ông chết. Tôi chỉ biết bấy nhiêu. Có lẻ Ba Má tôi biết nhiều hơn, nhưng không muốn cho chị em tôi biết.
                             
          

          Mấy ngày sau, tôi được má giao đi chợ. Trên chuyến đò, tôi nghe được chuyện do “Chị Sáu Đưa Đò” kể lại cho các người trên ghe “Mấy Dì biết không, từ khi ra tới nhà thương, mặc dầu bị thương rất nặng nhưng Tư Rô không chết. Suốt 4 ngày đêm, khi thì ông rống như heo bị thọc huyết, khi thì ông giãy đành đạch rồi rống như bò bị đập đầu, khi thì ông thở hì hục sồi bọt mép như chó bị nhận nước. Cứ như vậy trong 4 ngày mà không chết. Có người biết chuyện, khuyên gia đình lấy một chậu nước, một con dao bén ,  gát trên miệng chậu để bên giường ông. Không biết là do hiệu nghiệm hay do kiệt sức, mà sau đó Tư Rô mới nhắm mắt ra đi”.

 

Reading, 4/2012

Nguyễn Thị Kim-Thu

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 215385 visitors (409356 hits) on this page!