NGƯỜI VIỆT ĐÂU CÓ DỞ
Nguyễn Thị Kim-Thu
Olympic Mùa Hè London 2012 đã bế mạc. Ngày 13/8, tại Terminal 5 phi trường Heathrow, chứng kiến khoảng 110 ngàn người gồm vận động viên, quan khách và du khách xem Olympic từ giả London, với bao bộ mặt hân hoan, mang theo cờ xí với huy chương, đồng thời cũng không biết bao người lặng lẽ ra về. Không biết phái đoàn Olympic Việt Nam, gồm 18 tuyển thủ thi đấu và 38 vị gồm huấn luyện viên và quan chức đi theo, đã lặng lẻ về Việt Nam lúc nào. Đọc qua báo chí mạng trong nước mới biết là các vị quan chức đưa nhiều lý do tại sao Việt Nam không mang về một huy chương nào, trong lúc Thái Lan đạt 2 huy chương Bạc 1 Đồng, Mã Lai và Indonesia đều có 1 Bạc, 1 Đồng, còn Singapore có 2 Đồng. Trong trò chơi thể thao, hể ai giỏi thì thắng, ai dở thì thua, chứ có gì phải trách móc, đổ thừa. Đáng lý ra phải ca ngợi các tuyển thủ nước mình đã khổ công luyện tập trong hoàn cảnh thiếu thốn, đã đem hết sức mình để mong đem vinh quang cho đất nước, nhưng vì tài năng còn yếu, nên mới ra nỗi này.
Mà đâu phải chỉ có Việt Nam “đi không lại trở về không”. Trong số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Olympic London 2012, chỉ có 79 nước đạt được huy chương, như vậy có 125 nước về với tay không. Hãy cố gắng thêm lên cho kỳ Olympic Rio 2016.
Trong lúc đó thì 3 triệu người Việt hải ngoại lại hân hoan vì có 2 người gốc Việt đạt 3 huy chương, Marcel Nguyễn của Đức với 2 Bạc, và Carol Huỳnh của Canada với 1 Đồng.
Một điều khôi hài là VnExpress trong nước bắt quàng tuyên bố “...Marcel Nguyễn - tên đầy đủ là Marcel Van Minh Long Nguyen - là con của một phụ nữ Việt đi xuất khẩu lao động với một cựu vận động viên thể dục dụng cụ người Đức….”.
Lời bắt quàng này chứng tỏ tác giả bài viết nói trên không có một kiến thức gì về cách đặt tên họ ở nước ngoài, vì nếu cha là người Đức thì sao không mang họ Đức của cha, mà lại là họ Nguyễn.
Sự thật, cha của Marcel Nguyen là Ông Nguyễn Văn Lạc, học trường Chu Văn An Sài Gòn, năm 1964 thời VNCH được học bổng du học ở Đức. Nhiều kỹ sư Nông Nghiệp Sài Gòn hiện ở Hoa Kỳ cùng học chung với ông Lạc ở Chu Văn An đã liên lạc được với ông. Ông Lạc lấy vợ người Đức tên Heidi, hiện sống và làm việc ở Muenchen thuộc Munich, Đức. Marcel Nguyễn sinh năm 1987, còn có một người chị tên Denise. Trong dịp Olympic London 2012, Marcel Nguyễn đoạt hai huy chương bạc về bộ mộn thể dục dụng cụ (Artistic Gymnastic) và nhào lộn xà kép (Parallel Bars) là hai bộ môn mà nước Đức chưa từng đoạt một huy chương nào trong suốt 76 năm qua (kể từ năm 1936 tới nay).
Ngoài 2 huy chương bạc kể trên, trước đây Marcel Nguyễn cũng đã đạt 3 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 3 huy chương đồng ở các giải tranh tài Thế Giới và Âu Châu tại Berlin, Stuttgart, Birmingham, Montpellier và Lausanne.
Marcel Nguyễn
Bà Heidi, thân mẫu của Marcel Nguyễn
Carol Huynh
Còn cô Carol Huỳnh ở Canada, có quốc tịch Canada gốc Việt, sinh năm 1980. Cha mẹ của Carol Huỳnh đều là người gốc Hoa, nhưng qua nhiều thế hệ sinh sống ở Chợ Lớn trước 1975 nên cha mẹ cô đều có quốc tịch Việt Nam. Cha mẹ cô vượt biển năm 1980 và tị nạn ở Canada. Trong Olympic London 2012, Carol Huỳnh đạt 1 huy chương Đồng, nhưng trước đây đã đạt huy chương Vàng ở Olympic Peking 2008, 1 huy chương Bạc và 2 huy chương Đồng ở Commonwealth Games và Pan American Games. Như vậy Carol Huỳnh có tổng cộng 4 huy chương tranh giải quốc tế, chưa kể 11 huy chương tranh giải trong nước Canada.
Như vậy, với 2 vận động viên nguồn gốc Việt trong số 3 triệu Việt kiều lưu vong ở hải ngoại đã đạt 3 huy chương trong Olympic 2012. Do đó, người Việt đâu có dở. Chỉ có điều khác là họ ở nước ngoài mà thôi.
“Cây quýt mọc ở đất Hoài Nam có quả rất ngọt, nhưng đem sang trồng ở đất Hoài Bắc thì quả lại chua” trong chuyện đối đáp của sứ giả Án Anh (hay Án Tử) với vua nước Tề trong thời Chiến quốc. Bản chất cây quýt vẫn là cây quýt, cho trái chua hay ngọt là do khác biệt ở môi trường nơi trồng mà thôi.
Reading, 8/2012
Nguyễn Thị Kim-Thu |