Cái nón sắt
 

04/04/2012

 

CÁI NÓN SẮT
 

 
 
Để giải trí, chúng tôi thường xem video ca nhạc. Trong một bài nhạc buồn của thời chinh chiến, hình ảnh cái nón sắt và chiếc thẻ bài đặt trên thập tự giá trong nghĩa trang làm chúng tôi xúc động. Sau phút cảm động đó, tôi chợt nhớ đến kỹ niệm về chiếc nón sắt với các bạn học cách đây trên 40 năm.
 
Ai đã từng học NLS Cần Thơ từ 1964 đến 1968 chắc cũng đã từng tham gia Đoàn Chí Nguyện NLS (IVS) do thầy Trần Đăng Hồng đảm trách. Song song với các hoạt động chuyên môn cùng nông dân trong thôn ấp, Đoàn còn tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, cắm trại và lửa trại ban đêm. Tài chánh do Đoàn tài trợ. Tôi có tham gia nhiều lần cắm trại. Lần cắm trại cuối cùng tại ấp Bình Lạc ở Bình Thủy là tôi có nhiều kỹ niệm nhất.
 
Tôi được đề cử giữ phần ẩm thực cho ngày cắm trại này. Số học viên tham dự khá đông, tiền ăn thì lại hạn hẹp, mà ở cái tuổi “nam thực như hổ đực, nữ thực như hổ cái”, việc chọn món ăn vừa túi tiền, đơn giản, dễ nấu ngoài trời trong thời gian hạn hẹp, nhưng phải ngon và đủ no là điều khó tính toán quyết định. Tôi còn nhớ là vào thời gian đó vừa có gạo mới nên cơm dẽo ngon, và cũng là mùa cá chốt rất rẽ. Cá chốt là cá của người nghèo, nhưng nếu biết cách nấu thì rất ngon. Vì vậy, chúng tôi quyết định nấu món cá chốt kho tiêu, ăn với dưa leo, rau sống, là các thứ mua tại chỗ, nông dân vừa bán vừa cho. Sau giờ làm việc và sinh hoạt mệt nhọc mà ăn cơm gạo mới với cá kho tiêu cùng rau sống thì dầu đã ăn no bao nhiêu chén miệng vẫn còn thèm.
 
Vì trại sinh rất đông, lại ở tuổi ăn mạnh “như tầm ăn dâu”, nên phái nữ không đủ sức mạnh để làm các công tác nặng nề. Vì vậy, các anh cũng ở trong ban ẩm thực để các chị “sai vặt”, phụ việc nặng như xách nước, tìm và bửa cũi, chụm lữa, nấu và khiêng những nồi cơm lớn, v.v. Ở trại Bình Lạc, hai anh Hồ Văn Diên và Lê Quang Lâm đảm trách phần “phụ bếp” này. Hai anh rất giỏi, nhanh nhẹn, tháo vát, giàu sáng kiến, thực hiện xuất sắc mọi công tác được giao phó.
 
Kho cá chốt rất khó, vì nếu không biết cách thì cá tanh rình. Vì vậy, phải biết cách kho thế nào mới ngon và không tanh. Khi nấu cơm, tôi cho thêm nước, để chắt lấy nước cơm khi sôi dành kho cá chốt. Sau khi cá làm sạch, ướp và kho vừa thắm mặn, tôi cho nước cơm sôi vào để nước kho sền sệt, rồi thêm nước mở heo và tốp mở vào cho béo. Để không tanh, khâu quan trọng nhất là cho tiêu. Tôi không dùng tiêu đã xay sẳn bán ngoài chợ. Tôi mua tiêu sọ còn nguyên hột, rang cho thơm, rồi đâm nhỏ khi còn nóng trước khi cho vào nồi kho. Vừa rang tiêu xong thì tôi hốt hoảng vì không biết lấy gì để đâm nhỏ. Tôi bèn nhờ anh Diên và Lâm chạy vào nhà nông dân mượn cái cối với chày. Các anh vội nói “Thu đừng có lo, chúng tôi có đồ nghề, không cần mượn ai hết”. Thế là hai anh chạy đi đâu đó, một phút sau thấy anh Diên đội cái nón sắt nhà binh đi tới. Tôi ngạc nhiên “Bộ các anh không mượn được cối hả?”. Các anh cười, chỉ cái nón sắt và nói “Cái cối dã chiến đây nè”. Thế là anh dành lấy tiêu rang còn nóng bỏ vào nón sắt và dùng thanh cũi tròn láng đầu vừa đâm vừa cà cho nhuyễn. Tôi trố mắt nhìn thán phục. Cũng cái nón sắt này lúc nãy các anh đã dùng để lường gạo, lường nước nấu cơm, rửa rau, xách nước cho các chị rữa tay, v.v.
 
Bửa cơm trưa hôm ấy rất đậm đà, vừa dọn lên mùi cá kho thơm phức. Chúng tôi mời các thầy Trần Đăng Hồng, thầy Thước và thầy Lương cầm đủa trước. Vừa ăn xong miếng cá đầu tiên, thầy Hồng hỏi “Em nào kho cá ngon quá”. Mọi người đưa mắt nhìn tôi. Tôi lúng túng trả lời “Dạ, ngon là nhờ các anh đâm tiêu rang trong nón sắt đó Thầy”. Mọi người cười ồ. Sau buổi ăn, không còn một hạt cơm nào dính nồi, còn nồi cá kho thì đã vét sạch trơn. Trong lúc thu dọn bửa ăn, tôi nghe thoang thoáng một anh trai trêu chọc “Nồi cá kho ngon là nhờ mùi mồ hôi dơ của Diên dính trong nón sắt đó”.
 
Một đoạn phim của ngày cắm trại đang diễn lại trong đầu tôi, với bao kỹ niệm vui đẹp của ngày học trò. Tiếng hát trầm buồn “Hỡi người chiến sĩ đã để lại chiếc nón sắt bên bờ lau sậy này, bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu? ” làm lòng tôi se thắt lại. Đâu còn trên trần thế các Thầy Nguyễn Văn Thước, Thầy Lê Quan Hồng, các anh Hồ Văn Diên, Đặng Hữu Lộc, Đỗ Văn Quang, chị Trương Minh Huệ, những người Thầy và bạn năng động trong Đoàn Chí Nguyện.
 
Reading, 3/2012
Nguyễn Thị Kim-Thu
https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 226718 visitors (430422 hits) on this page!