Tư Cà Chớn

TƯ CÀ CHỚN

Nguyễn Thị Kim-Thu

 



 

 

Trong một chuyến về thăm quê hương, khi tôi và mấy người bạn quay quần quanh bàn ăn, nói chuyện tầm phào về người này người nọ từng là bạn bè hay quen biết từ hồi thơ ấu, học trò. Khi đề cập tới một người khá quen biết, một bạn bỗng nói “Anh ấy bây giờ ở gần “kho đạn”, “nỗ” lắm Thu ơi, Thu mà tiếp xúc với anh ấy thì bị văng miễng chịu không thấu đâu”. Thật tình, tôi không hiểu “kho đạn” và “nỗ” là gì. Tôi ngơ ngác. Một bạn khác giải thích: “Nỗ là khoe khoang quá lố, có chút ít lại nói thật nhiều, không có nói thành có, đôi khi khoe khoang lố bịch mà người nói tưởng là người nghe không biết. Thu còn nhớ là hồi trước tụi mình cười bể bụng về chuyện “cà” không?”. Thật tình thì tôi cũng không nhớ. Mấy mươi năm ở hải ngoại, lo học hành rồi lo làm việc, chăm sóc gia đình, ngày đêm bận bịu chồng  con rồi nay tới cháu, làm sao tôi biết được sự phát triễn “tiếng lóng” ở trong nước trong mấy chục năm qua. Tôi nhắc các bạn kễ lại chuyện xưa. Bạn tôi kễ: “Sau 75, mấy ông ở miền ngoài vào nam “nỗ” lắm. Chẳng hạn như ở ngoài đó Tivi chạy đầy đường. Một anh miền nam, chơi khăm, cố tình gài câu hỏi: “chớ ngoài đó có biết ăn cà chua không?”. “Ngoài đó, tớ có đủ thứ cà, cà pháo, cà dĩa, cà chua ngon lắm, còn ngon hơn ở trong này”. Anh chàng miền nam bèn gài “chớ ngoài đó có “cà chớn” không?”. “Ối giời, thứ gì thì không rõ chứ thứ “cà-chớn” thì khối ấy”.

          “Cà chớn” là tiếng lóng ở miền nam, người Trung, người Nam nào cũng hiểu “cà chớn” là gì, nhưng người Bắc thì không biết từ này. Theo các nhà ngôn ngữ học, từ “cà-chớn” bắt nguồn từ tiếng Miên “Kchol”, người Việt phát âm “Cà chon”, đọc trại thành “Cà chớn”, có nghĩa là không đáng tin lắm từ lời nói đến hành động. Nói ai  cà chớn là có ý chê, nhưng cũng không có nghĩa là hoàn toàn xấu. Chẳng hạn “Chờ tới giờ này mà nó chưa đến, đồ thứ cà chớn”, hay “chiếc xe hôm nay cà chớn, đạp máy hoài mà không chịu nỗ”. Tuy nhiên, có thể nặng “Có tới bằng cấp đó, chức vụ  đó mà ăn nói lý luận cà chớn quá”. Vì gốc tiếng Miên, nên chỉ có dân Đàng Trong từ thời Chúa Nguyễn biết từ này, còn người Đàng Ngoài của chúa Trịnh tuyệt nhiên không biết. Từ này nhẹ hơn từ “cà tững”, có nghĩa gần như điên như khùng, thần kinh bị “mát”.

          Khi đề cập đến từ cà chớn, tôi chợt nhớ đến “Tư Cà Chớn” ở xóm tôi. Người lớn tuổi gọi anh là “Thằng Tư Cà Chớn”. Còn người nhỏ tuổi hơn không gọi “anh Tư Cà Chớn”, “chú hay bác Tư Cà Chớn”, mà thường gọi trõng là “Tư Cà Chớn”. Phần tôi, khi nhắc đến ảnh tôi nói “anh Tư”, nhưng khi bị bạn hỏi ngược lại“anh Tư nào”, lúc đó tôi mới nói “anhTư cà chớn”.

          Nhà “anh Tư Cà Chớn” không xa nhà tôi lắm, cùng trong một xóm, cách nhà anh Việt và bạn học Tố-Uyên (trong truyện “Dưới bóng cây Ô môi”) hai vườn cây. Cũng như mọi nhà phía trong con lộ là những gia đình cố cựu lập nghiệp từ bao đời, nhà nào cũng có ngôi vườn trái cây rộng lớn vài ba mẫu đất, với ngôi nhà ngói đồ sộ và cổ kính, khác với các túp nhà tôn nhà lá nghèo nàn xây dựng tạm bợ của dân tản cư mới đến lập nghiệp bên kia con lộ, sát mé sông. Vì vậy, nhà anh Tư thuộc loại giàu có hay khá giả trong xóm. Tôi không quen với anh, chỉ quen mặt và biết anh qua cô bạn học Tố-Uyên, hàng xóm của anh, và nhất là qua “đài radio Cái Răng” – Chị Sáu đưa đò.

          Thắc mắc về anh, một lần đi  đò tôi hỏi chị Sáu tại sao anh Tư mang danh “Tư Cà Chớn”. Chị cười. Chị nói là sự thật thì anh Tư không đến nỗi “cà chớn” lắm, chỉ vì bị một cô gái lạ mặt chèo ghe trên sông nói anh hát đối “cà chớn”, câu chuyện được lan truyền trong xóm mà anh phải mang danh này từ ngày đó.

Anh là con trai duy nhất trong gia đình nên được nuông chìu. Nghe nói  hồi 4-5tuổi anh suýt chết đuối, nên đầu óc có bị ảnh hưởng chút ít, dầu không đến nỗi “cà tững”. Mặc dầu nhà giàu có, dinh dưỡng đầy đủ mà thân thể anh ốm “cà tong cà teo”. Anh không thích học hành, từ hồi nhỏ anh chỉ “cà nhõng” trong thôn xóm, tới lớn cũng không có bằng cấp nghề nghiệp gì, mà lại thường “cà rà” ở các quán cà phê bên chợ Cái Răng hay nơi nào có tiệc tùng, có nhiều cô gái. Nghe nói là ảnh cũng có bạn gái, nhưng rốt cuộc không đi đến đâu. Lý do là vừa mới quen cô gái nào, anh cũng đem giới thiệu khoe với bạn bè, mà nhè bạn bè lại đẹp trai, có nghề nghiệp đàng hoàng và ăn nói có duyên hơn, vì vậy cô bạn mới quen biết nào cũng đều bỏ anh, theo người mới. Một lần Chị Sáu đưa đò nói với anh Tư: “Tại sao em lại đem bạn gái của mình giới thiệu với các anh bạn đẹp trai làm chi để nay phòng không chiếc bóng”. Anh trả lời tỉnh bơ: “Em thử lòng cô ta, nếu cô ta thực lòng thương em thì dầu gặp ai cô ta cũng vẫn lấy em. Còn nếu cô ta có tính như vậy, thà cô ta bỏ em bây giờ thì vẫn tốt hơn là bỏ em sau này, thế là may mắn cho em đó chớ”. Chị Sáu đưa đò hết ý khuyên can. Anh Tư thích ca nhạc tân thời, hát vọng cỗ, và hò, nhưng anh ăn nói thuộc loại không có duyên lắm, mà lại hay “cà rỡn”. Chị Sáu kễ tiếp.

          Trong một buổi chiều tối nhá nhem, anh đang chèo ghe câu trên sông Cái Răng, bỗng thấy bóng dáng một cô gái bơi xuồng xa xa. Anh cất tiếng hò chọc ghẹo:

 

Hò…hơ…ớ…..hơ…lưới thưa anh bủa con cá duồng,

Buông lời mà hỏi bạn…hò….hơ…ơ.... chớ bạn bơi chiếc xuồng đi dâu?!

 

Cô gái chọc lại:

 

Hò….hơ…ơ……lưới thưa em bủa con cá duồng,

 nhà em có chuyện hò……ơ…..nên em bơi xuồng đi tìm anh

 

Ang Tư tưởng bở là cá đã cắn câu, bèn cương câu hò:

 

Hò…hơ…..con chim liễu nó biểu con hoàng oanh,

biểu to, biểu nhỏ, hò…hơ…biểu to biểu nhỏ, biểu anh thương nàng.

 

Cô gái cũng hát cương theo:

         

          Hò ơ, … Anh kia xin chớ vội vàng

          Nếu anh có giỏi, hò ơ, thì vài hàng đối chơi

hò….hơ…ơ…chớ con cá đối nằm trong cối đá

còn “mèo đuôi cụt nằm “mút đuôi kèo

nếu anh đối đặng, hò…ơ….. dẫu nghèo em cũng thương.

 

Anh Tư trả lời nghiêm chỉnh:

 

Hò…ơ……con chim mõ kiến nằm “trên miếng cỏ,

chim “dàng (vàng) lông đậu giữa dòng (vồng) lan.

Anh đà đối đặng, hò…hơ…. vậy nàng đến đây.

 

Thấy cô gái không hò trả lời. Anh Tư bèn hò tiếp:

 

Hò hơ... ơ, Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi.

Hò hơ... ơ, Kẻo giông tắt đèn bờ bụi tối tăm.

 

Không ngờ, cô gái hò đáp trả lời:

 

Hò hơ... ơ, Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể

Hò hơ... ơ, Cưới vợ có chửa về thổi lửa queo râu.

 

Qua câu hò đối đáp, biết cô gái chẳng vừa, anh bèn cà rỡn:

 

          Hò hơ, ơ... Cầu tre lắc lẽo gập ghình

Em xinh, em té xuống sình hết xinh

 

Cô gái hò đáp:

 

          Hò hơ, ơ…Hởi  anh “cà chớn” kia ơi, em té xuống sình

Sao anh không vớt, mà ngồi chình ình vô duyên.

 

Cô gái chèo ghe đi khuất, để anh ở lại sượng sùng. Kễ từ đó, anh mang danh “Tư Cà Chớn”.


 

Reading, 4/2013

Nguyễn Thị Kim-Thu

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 193450 visitors (351070 hits) on this page!