Tản mạn về Tam Quốc Chí
2/7/2020

TẢN MẠN VỀ THỜI TAM QUỐC

Trần Đăng Hồng

 

Từ hồi còn tiểu học, tôi mê nghe chuyện Tàu do cha tôi kể. Chữ “Tàu”, người Nam Bộ phát âm là “tào”. Tôi thường viết  những bài thuần túy khoa học mất cả tuần hay nửa tháng mới được một bài, đưa lên FB cả tuần lể chỉ leo queo năm ba “Likes”, ngược lại viết chuyện “tào” (phát âm Nam Bộ) – tức “tào lao” chỉ mất 3-4 tiếng đồng hồ, lên FB sau 24 giờ thì được hàng chục “Likes”. Vì vậy, từ nay tôi sẽ viết nhiều về chuyện Tàu “tào lao” để thân hữu giải trí.

Như đã nói ở trên, cha tôi thường kể chuyện Tàu. Làng tôi nghèo, dân quê đa số không biết chữ. Cha tôi, thuộc loại công tử nhà giàu, vừa  thông Hán học, vừa biết chữ quốc ngữ, cả thời trai trẻ được ông bà nội nuông chìu, nên mua nhiều sách truyện Tàu, như Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Tây Du Ký, v.v. để đọc. Ông có một trí nhớ rất tốt, ông nhớ hết những tên nhân vật, địa danh, chi tiết từng trận đánh trong Tam Quốc. Tôi nhớ, khi tôi còn rất nhỏ, cứ mỗi chiều tối dân làng đến nhà tôi, ngồi chồm hổm dưới sân gạch, vừa hút thuốc, vừa nghe cha tôi kể chuyện Tàu. Cha ngồi trên lan can cao hơn mặt sân 1m5, kể chuyện giọng sang sảng, rất hấp dẫn người nghe. Nay tôi xin nối nghiệp cha, kể lại chuyện Tam Quốc.

Tam Quốc Chí là một tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc được La Quán Trung viết vào thế kỷ 14 kể về thời kỳ hỗn loạn Tam Quốc (190–280) gồm 120 hồi. Tiểu thuyết hấp dẫn vì dựa theo lịch sử nhưng hư cấu thành chuyện dài “vòng vo Tam quốc”, đọc hoài không chán.

 

TÓM LƯỢC LỊCH SỬ

Sau khi vua Hán Linh Đế băng hà (189), Hà thái hậu và Đổng thái hậu đấu đá lẫn nhau tạo cơ hội cho Đổng Trác kéo quân vào Lạc Dương. Đổng Trác bạo ngược, trên uy hiếp Thiên Tử, dưới cho quân cướp bóc, chém giết lương dân nên bị các tướng lĩnh, thái thú, thứ sử ở các châu quận dẫn đầu là Kỳ Hương Hầu Viên Thiệu, giữ chức thái thú Bột Hải, hội quân tiến đánh nhưng do nội bộ bất hòa nên cuối cùng đội quân đó cũng tan rã.

 

 Bản đồ lãnh thổ thời Tam Quốc

 

Kể từ đó các cuộc chiến tranh giành đất đai giữa các lãnh chúa dần dần hình thành nên thế Tam Quốc với Lưu Bị ở đất Thục, Tào Tháo nhà Ngụy ở phương Bắc, và Tôn Quyền nhà Ngô ở Giang Đông.

 

THỤC HÁN. Trước tiên là Thục Hán lãnh cứ vùng Tây Nam Trung Quốc, kinh đô là Thành Đô.  Khi triều đại nhà Hán suy yếu, Lưu Bị, một người thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, cùng Quan Vũ (Quan Công) và Trương Phi kết nghĩa anh em tại Vườn Đào, tập hợp được nhiều tướng tài, cùng với quân sư Gia Cát Lượng, đã chiếm được Kinh Châu rồi sau đó là vùng Ba Thục và Hán Trung. Năm 220, Lưu Bị xưng đế và lập nên nước Thục-Hán lấy Kinh Châu làm kinh đô. Vào năm 219, Lã Mông, một tướng kiệt xuất của Đông Ngô, đã tấn công và chiếm được Kinh Châu cho Tôn Quyền. Trong trận này Quan Vũ bị bắt và bị chém đầu.

Năm 222, Lưu Bị dẫn 70 vạn quân, tấn công Đông Ngô để lấy lại Kinh Châu và trả thù cho Quan Vũ. Tuy nhiên, do sai lầm chiến thuật, 40 trại của quân Thục bị Lục Tốn đốt cháy trong trận Di Lăng, gần như toàn bộ số quân bị tiêu diệt. Lưu Bị thất trận, phải chạy về thành Bạch Đế, và một năm sau ông mất. Kế tục ông là Hậu chủ Lưu Thiện.

Tể tướng nước Thục là Gia Cát Lượng, thay vì tấn công trả thù đã giảng hòa với Đông Ngô. Ông quyết định rằng Tào Ngụy mới là đối thủ chính, nên đã thực hiện nhiều đợt tấn công lên phía bắc nhưng đều thất bại. Cuối cùng, vào năm 234, Gia Cát Lượng qua đời trong đợt tấn công lần thứ 6 vào nước Ngụỵ. Người kế tục ông, Khương Duy cũng đã thực hiện 9 chiến dịch lên phía bắc, nhưng lần nào cũng không thành công. Những đợt tấn công liên tiếp của Gia Cát Lượng và Khương Duy khiến cho tài nguyên và quân đội nước Thục, vốn đã ít nhất trong 3 nước, ngày càng suy mòn và yếu dần. Hơn nữa, Hậu chủ Lưu Thiện không quan tâm cải thiện đất nước, mà chỉ nghe lời nịnh của hoạn quan Hoàng Hạo, ăn chơi sa đoạ, giết hại nhiều công thần, khiến chính quyền nước Thục ngày càng mục nát.

Vào năm 263, Tư Mã Chiêu đã cho 3 đạo quân tấn công vào nước Thục. Với chiến thuật tuyệt vời của 2 tướng Đặng Ngải và Chung Hội, quân đội nước Nguỵ nhanh chóng chiếm được Hán Trung và thẳng tiến đến Thành Đô. Hậu chủ Lưu Thiện lập tức đầu hàng. Nước Thục mất từ đó.

NƯỚC NGỤY. Vào thời điểm nhà Hán suy yếu, khu vực Bắc Trung Quốc thuộc quyền kiếm soát của Tào Tháo. Vào năm 213, Tào Tháo ép Hán Hiến Đế Lưu Hiệp phong làm "Ngụy Công" và được trao quyền sở hữu Ngụy quận và 9 quận thuộc Ký châu làm nước riêng, đóng thủ phủ ở Nghiệp Thành. Nước Ngụy của Tào Tháo với tư cách là một nước chư hầu nằm trong lãnh thổ nhà Hán bắt đầu hình thành. Năm 216, Tào Tháo ép Hiến Đế phong làm "Ngụy Vương". Năm 220, Tào Tháo qua đời, con trưởng là Tào Phi kế ngôi "Ngụy Vương". Cũng trong năm này, Tào Phi cướp ngôi của Hán Hiến Đế và tự xưng là Hoàng đế, lập nên nước Ngụy. Vì sự kiện này, Lưu Bị lên ngôi Hoàng đế lập ra nước Thục Hán để tiếp tục dòng dõi của nhà Hán, và Tôn Quyền cho sứ giả sang xưng thần với Tào Phi để được phong làm Ngô Vương, sau đó lên ngôi Hoàng đế của Đông Ngô vào năm 229.

Tào Ngụy ít gây chiến tranh với Đông Ngô như với Thục Hán. Từ khi 3 quốc gia chính thức xưng hiệu, trong vòng hơn 40 năm, Tào Ngụy và Thục Hán đánh nhau 15 lần, 6 lần thời Gia Cát Lượng làm thừa tướng ở Thục, và 9 lần khi Khương Duy thay thế Gia Cát Lượng chỉ huy quân sự tại Thục. Nước Ngụy tiêu diệt nước Thục vào năm 263.

Tuy nhiên, lúc này thực quyền trong triều đình Tào Ngụy đã rơi vào tay họ Tư Mã sau khi Ngụy Minh Đế Tào Duệ mất (239). Tư Mã Ý diệt quan phụ chính trong tông thất nhà Ngụy là Tào Sảng và nắm trọn quyền hành. Sau khi Ý chết, con là Tư Mã Sư lên thay, phế Tào Phương, lập Tào Mao làm vua (254). Năm 260, em Tư Mã Sư là Tư Mã Chiêu giết Mao lập Tào Hoán. Tháng chạp năm Ất Dậu (tháng 2 năm 266), con Tư Mã Chiêu là Tư Mã Viêm cướp ngôi Hoàng đế của Tào Hoán, lập nên nhà Tấn. Tào Ngụy mất từ đó.

 

ĐÔNG NGÔ.

Đông Ngô là một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc (220-280). Trước 220 vài năm, là một vương quốc chư hầu của Tào Ngụy, nhưng vào năm 222, Tôn Quyền tuyên bố độc lập, tự xưng  hoàng đế, cùng thời với Lưu Bị xưng hoàng đế ở nước Thục. Đông Ngô  lấy Kiến Khang (ngày nay là Nam Kinh, Giang Tô) làm thủ đô, là nước hùng mạnh và giàu có nhất, vì là vùng đất trù phú của sông Dương Tử. Thời gian cai trị kéo dài của Đại Đế Tôn Quyền (229-252) là khoảng thời gian cường thịnh nhất của quốc gia này.

Năm 252 Tôn Quyền qua đời. Các vua còn lại của Đông Ngô là Tôn Lượng, Tôn Hưu và Tôn Hạo đều chỉ là những kẻ bất tài khiến triều chính rối ren. Nước Ngô suy yếu từ đó.

Năm 269 tướng Dương Hựu của nhà Tấn bắt đầu chuẩn bị xâm chiếm nước Ngô bằng việc xây dựng hạm đội và huấn luyện thủy quân tại Tứ Xuyên dưới quyền Vương Tuấn. Kế hoạch xâm chiếm của nhà Tấn đã diễn ra vào mùa đông năm 279 sau 10 năm chuẩn bị.

Trước các cuộc tấn công mãnh liệt của quân Tấn, lực lượng nhà Ngô tan rã và Kiến Khang mất vào tháng 3 năm 280, Tôn Hạo đầu hàng nhà Tấn, kết thúc nhà Đông Ngô.

Thế là thời đại Tam Quốc chấm dứt sau gần một thế kỷ (năm 190–280) đầy xung đột.

Có tổng cộng 1340 nhân vật có tên họ trong Tam Quốc Chí, không kể hàng trăm vạn quân sĩ và dân chúng vô danh của 3 bên. Theo thăm dò trên mạng, 10 nhân vật được ái mộ và bàn luận nhiều nhất trong số 40 nhân vật tài giỏi theo thứ tự là:

1.    Khổng Minh Gia Cát Lượng.

2.    Quan Vũ – Quan Vân Trường

3.    Triệu Vân

4.    Tào Tháo

5.    Lưu Bị

6.    Trương Phi

7.    Tư Mã Ý

8.    Tôn Quyền

9.    Lỗ Túc

10. Mã Siêu

 Trong 90 năm chiến tranh khốc liệt, với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, có 5 trận chiến lừng danh, phân định sự thắng thua của các nước: Đồng Quan, Hổ Lao Quan, Quan Độ, Xích Bích, Di Lăng đi vào sử sách, cả về quy mô, mưu trí cũng như sự dũng cảm phi thường của các dũng tướng huyền thoại một thời.

Hy vọng, nếu quý thân hữu ái mộ truyện này, tôi sẽ lần lượt bàn luận về các nhân vật “top ten” và các trận chiến “top five” này. Hy vọng mùa đại dịch sẽ qua đi khi kết thúc loạt bài “tào lao” này.

 

Reading, 1/7/2020

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 169606 visitors (301098 hits) on this page!