20/7/2020
LUẬN VỀ KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG
Trần-Đăng Hồng
Phần 8. Lập đàn cầu gió Đông
Sau khi nghe Lổ Túc tường trình rằng Khổng Minh dùng thuyền cỏ mượn tên, Chu Du ngước mặt than: “Gia Cát Lượng thật là thần cơ diệu toán, ta thật không bằng”, và quyết tâm chờ dịp giết Khổng Minh.
Chuyện Chu Du lập mưu kế để Tào Tháo giết 2 tướng thủy binh tài giỏi của mình là Thái Mạo và Trương Doãn, cũng không qua mắt của Khổng Minh nên Chu Du càng muốn giết Khổng Minh càng sớm càng tốt.
Tào Tháo, từ ngày mất một lúc hơn mười lăm vạn mũi tên, lòng buồn rầu vô cùng. Tuân Du đưa kế là sai anh em Thái Trung và Thái Hòa, vốn là anh em họ của Thái Mạo vừa bị Tào Tháo giết oan, qua Giang Đông giả hàng để làm nội ứng sau này. Chu Du biết mưu kế này, bèn tương kế tựu kế.
Nhân có tướng Hoàng Cái nửa đêm đến dâng “khổ nhục kế”, Chu Du đồng ý. Theo kế này, sáng hôm sau Chu Du họp tướng sĩ cho biết thế giặc mạnh lắm, chưa thể tấn công, nay ra lệnh phải tích trữ lương thực cho 3 tháng. Ai nấy đều im lặng, chỉ có Huỳnh Cái đứng ra nói dầu cho sắm lương thảo đủ ba mươi tháng đi nữa cũng không làm được việc gì, tốt nhất là Đô Đốc ngoảnh mặt về hướng Bắc mà xin hàng. Chu Du mặt biến sắc, đùng đùng nổi giận bắt Hoàng Cái đem giết. Mọi tướng lĩnh xin tha tội chết nên Hoàng Cái bị căng nọc đánh xương thịt máu me tả tơi.
Hoàng Cái nhờ ngươi thâm giao là Hám Trạch đem mật thơ xin hàng đến Tào Tháo. Vốn đa nghị, thoạt tiên Tháo không tin, nhưng sau có Thái Trung, Thái Hòa tường trình về chuyện Hoàng Cái bị đánh ở chốn công đường thì Tháo mới tin, và như vậy trúng kế của Chu Du.
Bàng Thống vào thời điểm này cũng lập mưu giúp Chu Du. Theo kế này, Bàng Thống giả làm ẩn sĩ ở Đông Ngô, bất mãn vì Chu Du không biết trọng dụng mình. Có mưu sĩ của Tào là Tương Cán biết vậy mới đưa Bàng Thống đến gặp Tào Tháo, Tháo mừng lắm. Sau khi xem thủy trại của Tào, Bàng Thống đề nghị “Tôi xem ra quân sĩ phần lớn ốm đau vì không quen sóng gió. Bây giờ Thừa Tướng phải cho lấy đinh lớn đóng các thuyền lại với nhau, rồi dùng dây xích buộc, như thế ở thuyền cũng như ở trên bộ, quân sĩ hết lo đau yếu”. Tào Tháo y kế, lại bắc ván ở trên cho quân sĩ đi lại, ai nấy đều mừng rỡ. Sau đó Bàng Thống xin với Tào Tháo cho trở về Giang Ðông xem xét tình hình, Tào Tháo đồng ý.
Hai tướng Vu Cấm và Mao Giới vào tường trình là chiến thuyền đã buộc chặt vào nhau, quân lính đi như trên bờ, hết thảy đều vui vẻ, vậy xin cho bắt đầu thao luyện. Tào Tháo liền cho đêm ngày tập dượt, lại lên chỗ cao nhìn xuống khen nức nở. Trình Dục trình bày là các thuyền cột liền vào nhau như vầy, nếu giặc dùng hỏa công thì chạy làm sao. Tào Tháo cười ngất mà rằng: “Nay đang tiết đông, có gió Tây và gió Bắc, binh ta ở Tây Bắc mà giặc ở phía Nam, có hỏa công thì giặc bị đốt chớ ta chẳng hề hấn gì”. Chư tướng đều bái phục.
Một ngày nọ, Chu Du leo lên chỗ cao để quan sát trận đồ của Tào Tháo. Lúc đó bỗng gió nỗi lên, bên trại Tào bỗng gảy cây cờ lớn ở trung ương. Chu Du cười nói: “Ðó là điềm dữ cho giặc đó”. Ðang cười chợt gió lại thổi lớn, đuôi ngọn cờ bay qua trước mặt, Chu Du hét lên một tiếng, máu miệng trào ra. Chư tướng vội vã đưa Chu Du vào trướng. Ai nấy lo lắng, Đô Đốc bệnh nặng thế này làm sao đánh giặc. Lổ Túc đến gặp Khổng Minh nói về bệnh của Chu Du.
Khổng Minh nói bệnh của Ðô Ðốc có thuốc chữa được. Lỗ Túc vội vã dắt Khổng Minh đi ngay, vào tới nơi, thấy Châu Du lấy mền trùm cả đầu. Hỏi thăm bịnh tình, Chu Du đáp là đau trong tâm nên hóa hôn mê. Khổng Minh nói: “Cũng như trời mưa gió bất thường, ai mà liệu được trước”. Nghe câu đó, Chu Du lại rên rỉ. Khổng Minh nói tiếp: “Phải làm cho thuận khí trước rồi mới chữa bịnh sau”. Châu Du hỏi muốn khí thuận thì phải làm sao. Khổng Minh đáp: “Tôi có cách”. Nói đoạn truyền cho tả hữu lui ra hết rồi viết trên giấy bốn câu:
Ðánh Tào Mạnh Ðức
Phải dùng hỏa công
Mọi sự chẳng thiếu
Thiếu vì gió Ðông.
Viết xong, trao cho Châu Du. Châu Du đọc rồi thất kinh, thú thực: “Quả tình như vậy, tiên sanh có cách nào giúp chăng?”. Khổng Minh đáp: “Ngày trước, có bậc dị nhơn dạy tôi cách hú gió cầu mưa. Vậy Ðô Ðốc hãy truyền xây ngay một đài thất tinh ở chân núi Nam Bình, cao bảy trượng, chia ba tầng, có hai trăm quân cầm cờ phướng, tôi sẽ cầu gió luôn ba ngày ba đêm để giúp Ðô Ðốc phá Tào được chăng?”. Châu Du nói chỉ xin gió một ngày là đũ. Khổng Minh nói: “Ngày Giáp Tý tháng mười một, tức là ngày hai rnươi, gió sẽ bắt đầu, ngày Bính Dần tức hai mươi hai, gió hết, vậy đủ chăng”.
Châu Du ngồi ngay lên như hết cả đau. Lập tức Chu Du sai cất đài như lời Khổng Minh dặn, xong rồi giao cho Khổng Minh hai trăm quân sĩ cầm cờ quay theo các phương hướng. Chính giữa có cái đàn để Khổng Minh lên cầu gió.
Biết lần này Chu Du cũng sẽ giết mình, nên Khổng Minh đã dặn trước với Lưu Bị là đúng vào ngày 20 tháng 11 sai Triệu Tử Long mang một thuyền nhỏ đến chờ ở mé nam bờ sông
Ngày Giáp Tý, Khổng Minh tắm gội sạch sẽ, mặc áo đạo, đi chân không lên đàn, lại dặn Lỗ Túc mau về với Chu Du để lo việc quân binh. Sau đó Khổng Minh truyền không ai được rời chỗ đứng của mình, không được nói, không được sợ hãi, ai trái lịnh sẽ bị chém. Rồi một ngày Khổng Minh lên đàn thắp nhang, làm phép cầu ba lần, vẫn chưa có gió.
Chu Du đã phân công đâu đấy cho các tướng, chờ ra lịnh là tiến quân liền. Lại báo Tôn Quyền xin chuẩn bị đại quân đi sau tiếp ứng. Huỳnh Cái thì sắp đặt xong mấy chục hỏa thuyền đầy rơm và cỏ khô có tẩm dầu dẫn lửa.
Cam Ninh, Hám Trạch theo dõi Thái Trung, Thái Hòa nhứt cử nhứt động. Ngoài ra binh sĩ đều chỉnh tề như một bộ máy, chỉ chờ ra tay. Lúc ấy binh Tôn Quyền cũng hạ trại cách đó hai mươi dặm.
Chiều tối hôm đó, vẫn im lìm không một chút gió. Sang canh hai bỗng nhiên gió ở đâu vù vù thổi đến, rồi chỉ chốc lát gió Ðông Nam thổi tới ào ào. Chu Du vừa mừng vừa sợ bèn sai Ðinh Phụng, Từ Thạnh đi ngay tới núi Nam Bình để lấy đầu Khổng Minh. Tới nơi thấy quân sĩ ai nấy còn đứng im, đèn nến sáng choang, duy Khổng Minh đã biến mất. Còn đang ngơ ngác thì có người nói đã thấy Khổng Minh xuống thuyền từ lâu rồi. Từ Thạnh vội lấy thuyền rượt theo, rượt thật xa mới thấy Khổng Minh từ một thuyền mé trước nói vọng lại: “Tướng quân về nói dùm với Ðô Ðốc là ráng dùng binh cho thần tốc, sau này sẽ có ngày gặp lại”. Nhìn cạnh Khổng Minh thấy có một dũng tướng là Triệu Tử Long nên Từ Thạnh không dám đuổi nữa, quay về thuật lại với Châu Du. Châu Du đành nuốt hận.
Nhờ lập đàn cầu gió Đông Nam của Khổng Minh mà quân Ngô đại thắng quân Ngụy dùng hỏa công đốt thuyền của Tào trong trận Xích Bích, và cuối cùng Tào Tháo chạy đến Hoa Dung, thì gặp Quan Vân Trường. Tào Tháo bèn kể công ơn khi xưa đối đãi trọng hậu, Quan Công xui lòng tha chết và thả Tào Tháo, như đã kể trong chương đầu của Phần 4.
|