Luận về Khổng Minh. Phần 1
4/7/2020

LUẬN VỀ KHỔNG MINH GIA CÁT LƯỢNG

Trần- Đăng Hồng

 

Phần 1. Thân thế, thách thức buổi ban đầu

Trong Tam Quốc Chí, nhân vật Khổng Minh Gia Cát Lượng được mô tả là một vị thừa tướng tài đức song toàn với tài năng "xuất quỷ nhập thần", đoán mưu lập kế như thần, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, là biểu tượng của lòng trung nghĩa và trí tuệ anh minh : Tuyệt nhân là Lưu Bị, tuyệt gian là Tào Tháo và tuyệt trí là Khổng Minh.  Ông là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của thời Tam Quốc.

Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, có biệt danh là Ngọa Long tiên sinh, là một mưu sĩ ẩn cư nơi rừng núi, thường tự ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Thiên hạ thường nói rằng "Ngọa Long, Phụng Sồ, ai có được một trong hai vị ắt định được thiên hạ". Lưu bị được cả hai. Lưu Bị đã phải ba lần tới mời mới có thể gặp và thuyết phục được Gia Cát Lượng. Có được Gia Cát Lượng làm quân sư, Lưu Bị từ một sứ quân bị Tào Tháo truy đuổi phải chạy khắp nơi, đã có được nhiều chiến thắng, dần dần lấy được Kinh Châu rồi Xuyên Thục để xây dựng nước Tây Thục hùng mạnh, cùng Đông Ngô và Bắc Ngụy tạo thành thế chân vạc của thời tam quốc.


Chân dung Gia Cát Lượng in trong sách và trong phim

Gia Cát Lượng sở dĩ được người đời yêu thích là bởi tài trí của ông. Gia Cát Lượng tài trí hơn người, ứng xử khéo léo, đã không biết bao phen đánh bại quân Tào Tháo hùng mạnh, chiến thắng mưu kế hiểm độc của Chu Du, góp công làm nên trận thắng Xích Bích oanh liệt, giúp Lưu Bị lấy Kinh Châu rồi Xuyên Thục, bảy lần đánh Mạnh Hoạch, sáu lần đánh Kỳ Sơn...

Toàn bộ những chiến công lừng lẫy ấy đều có được nhờ mưu trí tuyệt đỉnh của Gia Cát Lượng, đưa Gia Cát Lượng thành nhà quân sự hàng đầu và cũng là người đứng đầu trong Top 10 nhân vật được yêu thích nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.

THÂN THẾ.

Gia Cát Lượng là người đất Dương Đô (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông sinh vào mùa Thu năm Tân Dậu (181) thời Hán Linh Đế. Cha là Gia Cát Khuê, thời Hán mạt làm chức Quận thừa ở Thái Sơn, nhưng chết khi Gia Cát Lượng còn nhỏ. Gia Cát Khuê có ba người con trai là Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân. Do cha mất sớm, Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân được chú ruột là Gia Cát Huyền nuôi, làm Dự Chương thái thú cho Viên Thuật. Gặp lúc Hán triều cử người khác đến thay Huyền, nên ông qua Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu, vốn là chỗ quen biết cũ. Anh trai của ông là Gia Cát Cẩn tránh loạn đến Giang Đông, phục vụ cho Tôn Quyền ở Giang Đông, em trai Gia Cát Quân làm đại thần cho nhà Thục Hán, còn người em con chú ruột là Gia Cát Đản làm quan cho Tào Ngụy.  Như vậy, trong dòng họ Gia Cát có 4 anh em gần, 2 người phò Lưu Bị, 1 người phò Đông Ngô, 1 người phò Tào Ngụy. Gia Cát Lượng được mô tả là “có khí anh bá, thân cao tám thước (1,84 m), dung mạo khôi vĩ khác hẳn người thường”.

Khi chú mất, Gia Cát Lượng đến ở đất Nam Dương thuộc vùng Long Trung, chỗ ở có trái núi Ngọa Long Cương, nhân thế tự gọi là Ngọa Long tiên sinh. Gia Cát Lượng tự mình cày ruộng, tự ví mình với Quản Trọng (nhà chính trị gia, quân sự thời Xuân Thu, 771 - 476 TCN), Nhạc Nghị (danh tướng thời Chiến Quốc, 500 - 200 TCN). Người đương thời chẳng mấy ai tin, nhưng vài người như Thôi Châu Bình và Từ Thứ* có giao du với ông thì tin ông có tài như vậy.

Gia Cát Lượng là học trò của Bàng Đức Công, người Tương Dương. Gia Cát Lượng thường hay tới nhà, ban đầu Bàng Đức Công chẳng chỉ bảo gì, sau mới dạy. Chính họ Bàng đặt các biệt danh Ngọa Long (rồng nằm) cho Gia Cát Lượng, Phượng Sồ (phượng con) cho Bàng Thống (theo phò Lưu Bị) và Thủy Kính cho Tư Mã Huy (sống ẩn danh, không phò ai). Bàng Đức Công có cháu là Bàng Thống, người sau này được Gia Cát Lượng tiến cử cho Lưu Bị. Trong gia tộc Gia Cát, Gia Cát Lượng là người tài giỏi nhất nên người đời sau có câu: "Thục được rồng (Gia Cát Lượng và Gia Cát Quân), Ngô được hổ (tức Gia Cát Cẩn), Ngụy được chó (tức Tư Mã Ý)".

 

TAM CỐ MAO LƯ - LƯU BỊ BA LƯỢT ĐẾN TẬN LỀU TRANH MỜI KHỔNG MINH

Khi chưa có thực lực, Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) lại bị Tào Tháo đánh thua, phải chạy sang Kinh Châu tá túc với Lưu Biểu, cho trú ở Tân Dã. Lưu Bị có đến nhà Tư Mã Huy bàn việc thiên hạ. Huy nói: "Bọn nho sinh đời nay chỉ là một phường tục sĩ, hạng tuấn kiệt hai người, đó là Ngọa Long (tức Gia Cát Lượng) và Phượng Sồ (tức Bàng Thống). Có được một trong 2 người đó thì có thể định được thiên hạ". Lưu Bị nói rằng hãy đưa người đó đến gặp, Tư Mã Huy khuyên Lưu Bị nên tới nhà Gia Cát Lượng để cầu nhân tài. Một nhân sĩ khác là Từ Thứ* cũng tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, gọi Gia Cát Lượng là “con rồng nằm”.

Vì vậy, Lưu Bị 3 lần đến Long Trung mời Khổng Minh ra giúp, hai lần trước Gia Cát Lượng đều tránh không gặp, đến lần thứ ba mới chịu ra tiếp đón. Trong lần nào, Quan Công và Trương Phi cũng cằn nhằn vì thấy Lưu Bị xử thế thái quá trong việc đi tìm Khổng Minh, Lưu Bị phải nạt Quan Công Trương Phi mới chịu yên, nhưng trong lòng vẫn nghi ngờ tài ba của Khổng Minh. Trong lần thứ 3, Khổng Minh mới chịu tiếp đón ba anh em Lưu Bị. Gia Cát Lượng đã cùng Lưu Bị phân tích tình hình thời cuộc, trình bày “Long Trung đối sách” để thống nhất thiên hạ. Khổng Minh trình bày: “Đây là địa đồ 54 châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành nghiệp bá thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững nhân hòa. Trước hảy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tứ Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên”, khiến Lưu Bị vô cùng khâm phục, nguyện tôn Gia Cát Lượng làm quân sư, gây dựng lại Hán thất.

Gia Cát Lượng cảm động trước tấm lòng chân thành của Lưu Bị đã ba lần đến lều tranh mời mình, liền ưng thuận ra giúp Lưu Bị tranh đoạt thiên hạ. Lúc bấy giờ là năm 208, Lưu Bị 47 tuổi, Gia Cát Lượng chỉ mới 27 tuổi. Lưu Bị từ đó càng đối đãi thân tình, ngày đêm bàn luận với Gia Cát Lượng, khiến Quan Vũ, Trương Phi không hài lòng. Lưu Bị mới giải thích: “Ta được gặp Khổng Minh như cá với nước vậy, các em chớ nên nhiều lời”. Quan Vũ, Trương Phi đành phải chịu.

GIA CÁT LƯỢNG LẬP MƯU ĐẦU TIÊN.

Tháng 8 năm 208, quân Tào áp sát Kinh châu. Lưu Biểu ốm chết, trước lúc chết phó thác việc nước cho Lưu Bị, Bị từ chối. Con út Lưu Biểu là Lưu Tông được lập lên kế vị, quyết định đầu hàng Tào Tháo. Lúc ấy Lưu Bị đóng quân ở Phàn Thành, lúc nghe quân Tào đến Uyển Thành, bèn dẫn quân dời đi qua Tương Dương, Gia Cát Lượng khuyên Lưu Bị đánh Lưu Tông để thu Kinh Châu, nhưng Lưu Bị đã khước từ lời đề nghị ấy, nói rằng: “Ta chẳng nhẫn tâm làm vậy”.

Lúc quân Lưu Bị dời đi, nhiều thuộc hạ của Lưu Biểu đi theo, khi đến Tương Dương, dân chúng kéo theo hơn chục vạn người. Biết mình quân ít không thể chống nổi đại quân Tào, Lưu Bị chia làm 2 đường:

1.Cánh quân thủy 1 vạn người do Quan Vũ chỉ huy, rút về Giang Hạ để hợp binh với Lưu Kỳ (cũng có 1 vạn quân) đang trấn thủ tại đây

2.Cánh quân bộ do Lưu Bị đi cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Triệu Vân, Trương Phi và đại bộ phận các tướng văn võ, qua Tương Hà định đi tới chỗ hiểm yếu Giang Lăng là nơi chứa lương thực và vũ khí của Kinh châu. Hơn 10 vạn dân Kinh châu không muốn hàng Tào Tháo cũng đi theo đoàn quân bộ của Lưu Bị. vì Lưu Bị có tiếng là người nhân nghĩa bác ái và vì sợ quân Tào Tháo tàn sát “tắm máu” như trong quá khứ ở Từ châu và 8 vạn hàng binh Viên Thiệu trong trận Quan Độ bị giết.

Nghe theo kế của Tuân Úc, Tào Tháo mang quân khinh kỵ, bỏ hết trang bị nặng, tiến thẳng tới thủ phủ Tương Dương để tiếp nhận Lưu Tông đầu hàng nhằm nhanh chóng thâu tóm Kinh châu. Trung tuần tháng 9, Tào Tháo tiến đến Tương Dương, lại nghe tin Lưu Bị đã đi Giang Lăng, sợ họ Lưu sẽ tranh mất nơi chứa lương thảo và vũ khí, nên ông vội lấy 5000 quân tinh nhuệ, sai em họ là Tào Thuần cùng hàng tướng Văn Sính chỉ huy cùng đi, cấp tốc đuổi theo, mỗi ngày đêm đi được 300 dặm.

Lưu Bị dẫn đám đông quân lẫn với dân, chạy loạn rất lộn xộn, không thành hàng ngũ, lại không thể đi nhanh dù biết Tào Tháo đang truy kích. Mỗi ngày đoàn quân của ông chỉ đi được hơn 10 dặm. Phía trước còn 300 dặm đường mới tới Giang Lăng, tức là mất 1 tháng nữa. Lưu Bị lo lắng phải bố trí lại lực lượng, sai Trương Phi mang 2000 quân mã chặn hậu, Triệu Vân dẫn vài trăm quân hộ vệ gia quyến; còn ông cùng Gia Cát Lượng và Từ Thứ dẫn quân chủ lực bảo vệ dân tị nạn.

Có người khuyên Lưu Bị dẫn quân khinh kỵ đi trước tới Giang Lăng, nhưng ông nhất định không bỏ dân chúng, cho rằng muốn làm việc lớn phải lấy dân làm gốc.

GIAO TRANH TẠI ĐƯƠNG DƯƠNG - TRƯỜNG BẢN​.

Tào Tháo cùng Tào Thuần thúc quân khinh kỵ ngày đêm đuổi riết. Khi Lưu Bị đi tới Trường Bản thì quân Tào đuổi tới nơi, đụng độ với hậu đội của Lưu Bị do Trương Phi chỉ huy. Quân Tào mạnh mẽ đánh tan hậu đội của Trương Phi rồi tấn công vào quân chủ lực của Lưu Bị cùng dân chúng.

Quân Lưu Bị tuy đông hơn quân Tào, nhưng không thể tổ chức thành đội ngũ chỉnh tề để nghênh chiến, bị Tào Tháo tấn công dữ dội, bị thua to. Lưu Bị thất bại nặng nề, cùng Gia Cát Lượng, Từ Thứ, Trương Phi và mấy chục khinh kỵ bỏ chạy thoát thân, bỏ lại toàn bộ quân trang nặng, gia quyến và dân chúng.

Quân dân Lưu Bị thua chạy tan tác mỗi người một nơi. Lưu Bị lạc mất Triệu Vân, nhiều người nói Triệu Vân đã bỏ sang hàng Tào nhưng Lưu Bị một mực tin tưởng Triệu Vân trung thành với mình.

Ông sai Trương Phi mang 20 kỵ binh đi chặn hậu, ngăn cản quân Tào. Trương Phi đợi Lưu Bị cùng những người đi kịp sang sông rồi đứng lên chặn ở đầu cầu Trường Bản.

Trong lúc đó Triệu Vân cầm cánh quân hộ tống gia quyến Lưu Bị cũng bị quân Tào đánh tan, bèn lệnh cho những người còn lại rút về nam theo Lưu Bị, còn một mình tự xông pha trận địa để tìm gia quyến Lưu Bị.

 

 

Triệu Vân tả xung hữu đột cứu My phu nhân và A Đẩu tại Trường Bản

 

Tào Thuần thống lĩnh quân Hổ báo kỵ truy kích Lưu Bị ở Trường Bản, bắt được gia quyến Lưu Bị, trong đó có 2 phu nhân. Trong khi quân Tào áp giải chưa về tới trại Tào thì Triệu Vân, một người một ngựa, tả xung hữu đột, phá vòng vây đánh tới nơi, cứu được Cam phu nhân và My Chúc, giết tướng của Tào Tháo là Thuần Vu Đạo, cướp được gươm báu của Tào Tháo. Sau đó Triệu Vân gặp My phu nhân, được bà đưa con của Lưu Bị là A Đẩu (lớn lên là Lưu Thiện, kế nghiệp vua) cho, rồi My phu nhân gieo mình xuống giếng chết để khỏi vướng chân ông. Sau đó Triệu Vân tả xung hữu đột giữa quân Tào, đánh giết nhiều quân Tào. Tào Tháo thấy vậy bèn ra lệnh chỉ được bắt sống, không được bắn chết. Trong trận này, Triệu Vân mang được ấu chúa ra khỏi trận, chém gãy 2 lá cờ to, cướp 3 ngọn giáo, cướp được gươm Thanh Công của Tào Tháo, trước sau giết được hơn 50 danh tướng của quân Tào. Khi mang A Đẩu về gặp Lưu Bị, Lưu Bị đã vứt A Đẩu xuống đất mắng: "Vì mày suýt nữa ta mất một đại tướng!".

Trương Phi đứng chặn trên cầu Trường Bản, và cầm mâu chờ nghênh địch. Quân Tào Thuần truy kích đuổi đến nơi. Một mình Trương Phi hùng dũng đứng cầm xà mâu quát lớn “Ta là người Yến, tên gọi Trương Dực Đức, ai dám cùng ta quyết tử”, to tới mức làm viên tướng Hạ Hầu Kiệt của Tào Tháo sợ hãi ngã ngựa mà chết, bản thân Tào Tháo cũng sợ luống cuống bỏ chạy. Tào Thuần sợ Trương Phi có kế phục binh nên không dám liều lĩnh sang đánh.

Trương Phi ra lệnh phá cầu rồi chạy theo tìm Lưu Bị.

Tào Tháo sai Hứa Chử đi dò xem tin tức cầu Trường Bản, về báo rằng Trương Phi đã chặt cầu và đi rồi. Tháo nói: “Nếu hắn chặt cầu tức là có ỵ sợ rồi”. Bèn truyền ngay lệnh, sai một vạn quân dựng ba nhịp cầu nổi, đến đêm hôm ấy phải xong. Lý Ðiển tâu rằng đó là mưu của Gia Cát Lượng, không nên khinh thường. Tháo nói: “Trương Phi là một đứa hữu dũng vô mưu, có gì mà sợ”. Bèn truyền lệnh hỏa tốc tiến quân.

Huyền Ðức đi gần đến Hán Tân, bỗng thấy phía sau bụi bay mù mịt, trống đánh vang trời, tiếng reo dậy đất, trước mặt có sông to ngăn trở, sau lưng có quân đuổi theo, không biết làm thế nào. Vội vàng sai Triệu Vân chuẩn bị cự địch. Tào Tháo truyền lệnh trong quân rằng: “Nay Lưu Bị như cá trong chậu, như hổ trong cũi, nếu không bắt sống lúc này thì khác nào thả cá xuống biển, đuổi hổ về rừng, các tướng nên cố sức”. Quân tướng nghe vậy, ai cũng ra sức đuổi riết.

Bỗng sau núi tiếng trống nổi lên, một đội quân mã kéo ra, gọi to lên rằng: “Ta đợi đây đã lâu rồi”. Tướng đi đầu là Vân Trường, tay vác đao thanh long, cưỡi ngựa xích thố, sang Giang Hạ mượn được một vạn quân mã, về đến nửa đường dò biết được tin đánh nhau ở Ðương Dương, Trường Bản, nên từ đường ấy đánh lại. Tào Tháo trông thấy Vân Trường, lập tức dừng ngựa, ngoảnh lại bảo các tướng rằng: “Lại mắc mẹo Gia Cát Lượng rồi”. Liền cấp tốc truyền lệnh đại quân rút lui. Vân Trường đuổi theo hơn mười dặm, rồi trở lại bảo vệ Huyền Ðức. Nhờ vậy Lưu Bị cùng các thủ hạ chạy thoát đến Hán Tân.

Tào Tháo lấy mục tiêu chiếm Giang Lăng là chính, nên thúc quân tiến đến Giang Lăng, bỏ ý định truy sát Lưu Bị. Lưu Bị chạy rẽ sang Hán Tân, gặp được thuyền của Quan Vũ, qua sông Miện, hội với con trưởng của Lưu Biểu là Lưu Kỳ rồi đến Hạ Khẩu, cùng nhau bàn cách kháng cự.

 

Reading, 3/7/2020

 

Mời đọc tiếp: Phần 2.  Gò Bác Vọng – Gia Cát dụng mưu thần

 

CƯỚC CHÚ:

*Từ Thứ trong chuyện “Từ Thứ Qui Tào”. Khoảng năm 190-193, Từ Thứ cùng bạn là Thạch Thao đi về phía nam đến Kinh Châu, kết bạn với Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Thoạt đầu Từ Thứ đi theo phò tá Lưu Bị. Ông đã hiến kế cho Lưu Bị đánh bại tướng của Tào Tháo là Tào Nhân, đánh úp chiếm Phàn Thành. Tào Tháo lập mưu bắt mẹ Từ Thứ, dù Từ mẫu không đồng ý cộng tác nhưng Tào Tháo dùng mưu kế của Trình Dục, bắt chước nét chữ của bà để viết thư dụ Từ Thứ. Từ Thứ tưởng là thư của mẹ gửi nên đành từ biệt Lưu Bị ra đi. Ông tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị, sau đó đi Hứa Xương. Mẹ Từ Thứ khi thấy con trai đến thì rất tức giận, chửi mắng ông rồi tự vẫn. Từ Thứ biết mình bị lừa, nguyện suốt đời không giúp kế gì cho Tào Tháo.

 

https://www.facebook.com/groups/124948084959931
 
PHỤ TRÁCH BIÊN TẬP
 
Sáng lập & Cố vấn:

TRẦN ĐĂNG HỒNG, PhD

Ban Biên tập :

VÕ THANH NGHI
vothanhnghiag@yahoo.com.vn
NGUYỄN THANH LIÊM
liem68dvb@gmail.com


Địa chỉ liên lạc: thnlscantho.3@gmail.com


Đặc San:
Đặc san XUÂN CANH DẦN (2010)
Đặc san XUÂN TÂN MÃO (2011)
Đặc san XUÂN NHÂM THÌN (2012)
Đặc san XUÂN QUÝ TỴ (2013)
Đặc san XUÂN GIÁP NGỌ (2014)
Đặc san XUÂN ẤT MÙI (2015)
Đặc san XUÂN BÍNH THÂN (2016)
Đặc san XUÂN ĐINH DẬU (2017)

Đặc san "Lưu Bút Ngày Xanh I (2010)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh II (2011)
Đặc san Lưu Bút Ngày Xanh III
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
https://www.facebook.com/groups/124948084959931/
 
Today, there have been 169961 visitors (302096 hits) on this page!